Giải đáp pháp luật về an toàn giao thông

* Hỏi: Anh Bình hành nghề chở khách bằng xe máy, khi chở khách anh Bình thường đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai mũ. Một lần, anh đang chở khách thì anh bị cảnh sát giao thông phát hiện, ra hiệu lệnh dừng xe và lập biên bản, yêu cầu anh nộp phạt về hành vi này. Tuy nhiên, anh Bình cho rằng việc đội mũ bảo hiểm của mình như thế là không vi phạm pháp luật, cài quai hay không cài quai cũng không ảnh hưởng gì và anh có đội mũ bảo hiểm là được. Anh Bình không đồng ý với quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông. Xin hỏi hành vi không cài quai mũ bảo hiểm như trên có vi phạm pháp luật không?

- Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30, Luật Giao thông đường bộ quy định: người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Điểm i, Khoản 3, Điều 6 quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

- “Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”;

Như vậy, những người đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách thể hiện ý thức không chấp hành pháp luật, cần phải bị xử phạt nghiêm minh. Do đó, hành vi của anh Bình là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, để bảo vệ tính mạng cho mình và đảm bảo an toàn cho người khác, người tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đội mũ đúng quy cách nhằm hạn chế các vụ tai nạn do đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn và không đúng quy cách.

* Hỏi: Khi điều khiển phương tiện giao thông đến chỗ giao nhau với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người điều khiển phương tiện giao thông nên xử lý thế nào? Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải đứng cách xa đường ray bao nhiêu mét?

- Trả lời: Trường hợp khi điều khiển phương tiện giao thông đến chỗ giao nhau với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông cần thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật giao thông đường bộ như sau: “Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi”.