Thủy sản có nhiều bước tiến trong tái cơ cấu nông nghiệp

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2019, giá trị thu nhập từ thuỷ sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, GDP toàn ngành tăng khoảng2,02%, trong đó giá trị thuỷ sản tăng 6,12%. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản được coi là một điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu tăng vọt.

Ngày 6/12/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường”.

Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mỗi năm chúng ta có 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản, và với kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay thì thời gian tới sẽ tăng lên 1,5-1,7 triệu ha. Ngay cả những phụ phẩm thủy sản cũng sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất cho một số ngành hàng khác… Đó chính là tiềm năng rất lớn để nâng cao giá trị của ngành thủy sản.

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh; VGP/Đỗ Hương

“Thực hiện việc tái cơ cấu ngành thủy sản, chúng tôi đã tổ chức lại sản xuất, có những tổ hợp, HTX tăng lên từng ngày, những liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành cũng mang lại những giá trị rất cao. Ví dụ trong ngành sản xuất cá tra, hiện tại với 5.400 ha sản xuất cá tra, bà con đều có lãi với trên 80 sản phẩm từ cá tra thay vì 1-2 sản phẩm trước đây. Hay trong lĩnh vực tôm, số lượng HTX tham gia liên kết với các nhà máy chế biến cũng tăng lên rất nhiều. Điều đó minh chứng cho sự tái cơ cấu đang đi đúng hướng”, ông Luân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, để tái cơ cấu thành công thì chiến lược ngành rất quan trọng, ví dụ lĩnh vực tôm lại chia ra nhiều mô hình khác nhau để có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật cho phù hợp như tôm lúa, tôm quảng canh… nhằm tăng thêm giá trị.

Ông Luân chia sẻ: Nhờ ứng dụng kỹ thuật, cá tra thay vì những con 800 gr giờ có thể là 3-4 kg. Điều đó khẳng định ứng dụng khoa học là một trong những điều kiện tiên quyết.

Bên cạnh đó là sự thích ứng với thị trường, chúng ta cũng cần phải tuân thủ các quy định, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước để sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường. Xoay chuyển trục dần dần để đưa thủy sản trở thành ngành chủ lực.

Quy hoạch thủy sản sẽ do các tỉnh chủ động cân đối để phù hợp với sức sản xuất và thị trường chung - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) việc chuyển đổi một số diện tích đất sang nuôi trồng thủy sản cũng đã có giá trị nhất định. Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: Việc chuyển đổi các mô hình ở ĐBSCL nhằm thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình như thay vì tập trung phát triển lợi thế của vùng là lúa gạo thì chuyển dần sang thủy sản, cây ăn trái… Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi cũng đã ổn định.

Đặc biệt, xu thế cũng như nhu cầu của thị trường thế giới về thủy sản, trái cây đang tăng nhanh, nhiều thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội để xuất khẩu, nhiều cơ hội để nâng cao giá trị…

“Bên cạnh đó thị trường lúa gạo của chúng ta đang dần hẹp lại và chắc chắn thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bản thân các nước đối thủ của chúng ta chưa giảm sản xuất lúa, trong khi các nước nhập khẩu thì lại thắt chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ… Do đó, việc chuyển đổi trục sản xuất ở ĐBSCL càng cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trao đổi về việc chuyển đổi để nuôi trồng thuỷ sản, ông Trần Đình Luân cho biết: Theo Luật Quy hoạch, hiện nay lĩnh vực thuỷ sản không có quy hoạch chung ngoài một số quy hoạch đặc thù như cảng cá, vùng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Vấn đề định hướng sản xuất thế nào sẽ thuộc nhiệm vụ của các tỉnh bởi họ biết vùng nào nuôi trồng thuỷ sản thuận lợi, vùng nào phù hợp cây ăn trái, trồng lúa…

Khi xác định rõ được lợi thế, các địa phương sẽ phải xây dựng những điều kiện đi theo, ví dụ như hệ thống thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản khác với trồng lúa, công tác khuyến nông, khoa học công nghệ, đặc biệt là khâu tổ chức lại sản xuất để khai thác tốt tiềm năng, đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Để đáp ứng những yếu tố này, rất cần liên kết để sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu thị trường.

“Đối với người nông dân, tôi cho rằng trong sản xuất đừng chỉ nhìn cái lợi của người hàng xóm mà áp dụng vào bản thân. Hơn lúc nào hết phải gom vào với nhau cùng sản xuất theo yêu cầu của tín hiệu thị trường, doanh nghiệp là đầu tàu đặt hàng nông dân. Các hiệp hội ngành hàng chung tay với bà con sản xuất sao cho ổn định nhất”, ông Luân nhấn mạnh.

Theo www.chinhphu.vn