Ninh Phước: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã

Thực hiện Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Phước đến năm 2020, những năm qua, địa phương đã từng bước đổi mới mô hình kinh tế tập thể, nhất là hoạt động của hợp tác xã (HTX) nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện.

Hiện nay, toàn huyện Ninh Phước hiện có 25 HTX thuộc các ngành, lĩnh vực đăng ký kinh doanh hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 22 HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp, 2 HTX phi nông nghiệp, với 8.195 thành viên. Ngoài ra, còn có 78 tổ hợp tác ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, gốm, dệt thổ cẩm, với 1.556 thành viên. Để thực hiện hiệu quả đề án, những năm qua, nhiều HTX đã tập trung củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao doanh thu, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Nhiều HTX đã xuất hiện các mô hình tiên tiến, hỗ trợ và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động; hình thành được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Mô hình “1 phải, 5 giảm”, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh; mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn…đã thích nghi với điều kiện thực tế ở địa phương. Qua đó, giúp các thành viên thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất cũ để từ đó chủ động, phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) thực hiện mô hình
cánh đồng lớn sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: A.T

HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi, tạo được chỗ dựa vững chắc cho thành viên. Theo đó, HTX đã tập trung vào chuyển đổi cây trồng, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, cho biết: Từ khi chuyển đổi mô hình, HTX tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động thành viên chuyển đổi từ trồng rau sang trồng măng tây xanh, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng. HTX còn đứng ra ký kết với doanh nghiệp, giúp thành viên mở rộng diện tích trồng măng tây xanh, bởi giá cả ổn định, đầu ra sản phẩm đã có doanh nghiệp thu mua, nên tạo được niềm tin cho thành viên. Nhờ đó, mỗi năm thành viên của HTX thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng đã trừ chi phí.

Thông qua các mô hình, chương trình hỗ trợ phát triển HTX, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã tạo điều kiện cho các HTX đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Điển hình như HTX nông nghiệp Phước An, HTX Nông nghiệp Phước Thiện, HTX Nông nghiệp Tuấn Tú, HTX Nông nghiệp Châu Rế, HTX Trường Thọ… đã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh theo quy mô cánh đồng lớn. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác, đem lại thu nhập cho thành viên. Bên cạnh đó, huyện còn nâng cao năng lực cho các HTX thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn trong việc tổ chức, quản lý HTX, quản lý tài chính, gia tăng tích lũy nội bộ và khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay để đưa ra tầm nhìn chiến lược phát triển của HTX; triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc lâu dài tại HTX. Đến nay, toàn huyện có 8 HTX triển khai mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX. Qua đó, phát huy được tính tích cực, sáng tạo, chủ động trong việc điều hành, quản lý HTX, báo cáo tài chính, từng bước khắc phục được tình trạng yếu kém của HTX như trước đây.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng bắp đạt hiệu quả cao. Ảnh: Anh Tùng

Có thể nói, đổi mới mô hình HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể ở địa phương ngày càng phát triển. Đến nay, có 16 HTX duy trì và nhân rộng được 12 cánh đồng trồng lúa, bắp, măng tây xanh, với diện tích 1.648 ha. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX vẫn còn một số tồn tại khó khăn như: nhiều HTX còn thiếu định hướng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp với thị trường; quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh; một số HTX năng lực điều hành, nguồn vốn hiện có còn hạn chế dẫn đến hiệu quả thấp…

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Để đề án Đổi mới, phát triển của các HTX đạt hiệu quả cao, thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế tập thể, phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX có sức cạnh tranh cao; tập trung đổi mới, phát triển HTX theo cơ chế thị trường; tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, lựa chọn các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thành lập mạng lưới liên kết các HTX và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong các HTX; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh việc liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên.