Thuận Bắc: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một trong những giải pháp thiết thực trong việc đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Thời gian qua, với những cách làm cụ thể, linh hoạt, hoạt động XKLĐ tại huyện Thuận Bắc đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Huyện Thuận Bắc hiện có hơn 10.000 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 70%, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đồng chí Phạm Văn Luyện, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua luôn được huyện quan tâm, chú trọng; bên cạnh những chính sách, hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, địa phương luôn xác định rõ làm tốt công tác XKLĐ không chỉ giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển. Vì thế, ngay từ đầu năm, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, ý nghĩa của việc XKLĐ, huyện còn chỉ đạo cho UBND các xã xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động (LĐ), tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu; trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ uy tín tổ chức các phiên giao dịch, đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người LĐ.

Từ số tiền đi xuất khẩu lao động, giúp gia đình chị Chamaléa Thị Đen, xã Lợi Hải (Thuận Bắc)
có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều gia đình tham gia XKLĐ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả. Chúng tôi đến thăm chị Chamaléa Thị Đen, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, vừa hết hợp đồng XKLĐ trở về địa phương đầu năm nay, chị Đen chia sẻ: Năm 2016, địa phương có thông báo tuyển lao động đi xuất khẩu nước ngoài, mình đăng ký tham gia với công việc phụ giúp việc cho một gia đình ở A-rập Xê-út. Công việc cũng đơn giản, với mức lương trên 11 triệu đồng/tháng; ngoài ra, còn có tiền thưởng khi làm việc tốt, hơn 2 năm đi XKLĐ mình tích cóp được một số vốn đầu tư chăn nuôi, sửa sang lại nhà cửa và sắm sửa một số vật dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày… Đáng chú ý hơn, ở các xã miền núi như Phước Kháng, Phước Chiến, từ khi có phong trào đi XKLĐ, diện mạo vùng nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hầu hết số LĐ đi làm việc thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình, khi hết hợp đồng đều có một khoản vốn để làm ăn. Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến cho biết: Xu hướng đi XKLĐ được nhiều thanh niên trên địa bàn lựa chọn, đây được xem là kênh giải quyết việc làm thiết thực nhất để cải thiện kinh tế gia đình. Toàn xã hiện có 20 người tham gia XKLĐ, có được kết quả trên, hàng năm địa phương đều giao chỉ tiêu cụ thể cho từng hội, đoàn thể vận động người dân tham gia XKLĐ. Ngoài ra, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc đã tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ ở địa phương tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội làm kinh phí xuất cảnh và trả dần khi có thu nhập; nhờ đó, giúp người LĐ yên tâm hơn trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, huyện Thuận Bắc có 80 người tham gia XKLĐ; trong đó, LĐ vùng DTTS chiếm khoảng 60 người, làm việc chủ yếu ở các nước Malaysia, A-rập Xê-út, Đài Loan… Mức lương cơ bản được ký kết trong hợp đồng tuyển dụng đối với LĐ phổ thông tại các thị trường này đạt từ 12-15 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý hơn, vài năm trở lại đây, bên cạnh thị trường truyền thống, huyện còn định hướng cho người LĐ tham gia xuất khẩu ở các thị trường tiềm năng, có thu nhập cao hơn; các LĐ đều được đào tạo ngoại ngữ, nâng cao tay nghề trước khi xuất cảnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, trong 14 hợp đồng đi XKLĐ, thì có 6 LĐ người DTTS làm việc tại Nhật Bản và 1 LĐ tại Nga, với mức lương từ 30-40 triệu đồng/tháng; đây là số tiền khá cao so với thu nhập của LĐ miền núi tại địa phương.

Mặc dù đạt được kết quả nhất định trong công tác XKLĐ; tuy nhiên, số lượng LĐ vùng DTTS ở huyện Thuận Bắc đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn hạn chế, một mặt là do người dân chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu; đặc biệt, tâm lý ngại đi xa là nguyên nhân dẫn đến việc XKLĐ chưa đạt như mong muốn. Để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Luyện cho biết thêm: Huyện tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, phù hợp với đặc thù vùng DTTS; chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt đầy đủ các thông tin về thị trường LĐ nước ngoài; đề xuất các các chính sách hỗ trợ, vốn vay ưu đãi, đẩy nhanh thủ tục pháp lý xuất cảnh; đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích khi trở về nước. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.