Khoảnh khắc và sự kiện 29-11

* Trong nước:

- Ngày 30-11-1948: Bác Hồ viết bài “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”.  Bài báo đăng trên báo Sự thật. Trong bài báo, Bác viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích … Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời.

Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to…”.

- Ngày 30-11-2008: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đón nhận chuyến tàu dầu thô đầu tiên. Đây là chuyến tàu dầu thô đầu tiên vận hành chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất, với khối lượng 80.000 MT tiếp nhận tại phao rót dầu không bến (SPM) của nhà máy.

Khởi công từ ngày 28-11-2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn và vốn đầu tư cao, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và sản phẩm gồm khí hóa lỏng LPG, xăng 92/95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực... Ngày 22-2-2009, Nhà máy chính thức cho ra đời dòng sản phẩm dầu khí mang thương hiệu “Made in Vietnam”, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

- Ngày 30-11-2013: Khai trương Bảo tàng Đông Nam Á đầu tiên trong khu vực.

Bảo tàng Đông Nam Á nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khánh thành sau 6 năm xây dựng. Đây là bảo tàng đầu tiên trưng bày văn hóa Đông Nam Á dưới dạng thực thể, là nơi kết nối văn hóa Việt Nam với các nước ASEAN.

Với diện tích gần 7.000m2, Bảo tàng được thiết kế mô phỏng hình cánh diều cách điệu- biểu tượng văn hoá có tại tất cả các nước trong khu vực.

Bảo tàng trưng bày văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á theo 5 chủ đề chính: đồ vải, đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật biểu diễn, tôn giáo, đã thể hiện nhiều yếu tố văn hóa các cư dân Đông Nam Á, gợi mở về một ĐNA đa dạng và thống nhất trong văn hóa và lối sống.

* Thế giới:

- Ngày 30-11-1999: Ký hiệp ước thành lập Cộng đồng Đông Phi (EAC).

EAC là một tổ chức liên chính phủ của 5 nước Đông Phi gồm: Burundi, Kenya, Rwanda, Tandania và Uganda, có trụ sở chính tại thành phố Arusha, Tandania. EAC có tổng diện tích gần 1,82 triệu km2 và dân số khoảng 133 triệu người. Tổ chức này được thành lập với mục đích phát triển sâu rộng hơn sự hợp tác kinh tế, chính trị và xã hội giữa các nước thành viên và với các tổ chức kinh tế khu vực khác có chung lợi ích.  EAC đã có những bước tiến quan trọng trong hội nhập khu vực như: ký hiệp định về thiết lập liên minh thuế quan ở Đông Phi năm 2005 và thành lập thị trường chung năm 2010. Đặc biệt, các nước trong khối đã nhất trí sáp nhập lại thành một nhà nước, gọi là Liên bang Đông Phi. 

Đồng Nhân dân tệ đã trở thành một tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

- Ngày 30-11-2015: Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế.  Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này đã đưa NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện tại gồm: đồng USD, euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Đây được xem là sự thay đổi lớn nhất trong giỏ ngoại tệ SDR, kể từ sau khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.

Có thể nói, việc đồng NDT được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế là một cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng cho Bắc Kinh. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một “chứng nhận” cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm từng bước quốc tế hóa đồng nội tệ.