Hỏi - đáp pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Hỏi: Anh Nguyễn Bảo A điều khiển mô tô chở phía sau anh Trần Văn T lưu thông trên đường thì bị lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe và tiến hành đo nồng độ cồn đối với anh A, vì thấy A có dấu hiệu sử dụng rượu bia. Qua kiểm tra, anh A có nồng độ cồn 0,5 miligam/lít khí thở. Do đó, Cảnh sát giao thông lập biên bản, tạm giữ xe 7 ngày, tước Giấy phép lái xe 4 tháng và yêu cầu nộp 3.000.000 đồng vì đã vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Việc cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt với mức như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?

- Trả lời: Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tại điểm c, Khoản 8 và điểm d, Khoản 12, Điều 6; điểm b, Khoản 1, Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng; để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt”

Như vậy, với trường hợp vi phạm của anh Nguyễn Bảo A, Cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước Giấy phép lái xe 3 tháng và phạt tiền 3.000.000 đồng là đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, người tham gia giao thông “đã uống rượu bia- không lái xe” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và cho người khác.