Khó khăn mua vé tàu Tết Nguyên đán

Bắt đầu từ ngày 20-10, ngành Đường sắt mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Với nhiều đổi mới trong việc bán vé qua mạng, kết hợp hỗ trợ bán vé trực tiếp tại các phòng vé, nhưng hành khách vẫn thực sự khó khăn để tiếp cận và mua được vé tàu Tết như mong muốn.

Mặc dù, còn hơn 1,5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng việc mua vé tàu Tết để đi từ ga Tháp Chàm ra các tỉnh phía Bắc dịp trước Tết và vào TP. Hồ Chí Minh sau Tết đang thực sự khó khăn. Theo thông báo của ngành Đường sắt, từ ngày 20-10 bắt đầu triển khai mở bán vé tàu Tết (từ ngày 14-1-2020 đến hết ngày 3-2-2020). Dự kiến, sẽ có 300.000 vé tàu được bán ra để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp Tết. Để mua vé tàu, hành khách có thể mua qua mạng và thanh toán online, không cần đến trực tiếp ở ga. Theo ghi nhận, với sự hỗ trợ của hệ thống bán vé tàu qua mạng, tại ga Tháp Chàm không còn tình trạng người dân phải chờ mua vé; việc mua vé tàu Tết qua hệ thống đặt chỗ trên mạng internet cũng diễn ra thông thoáng, không xảy ra tình trạng quá tải hay sập hệ thống, nhưng do số lượng vé ở các chặng ngắn có hạn nên không phải ai cũng mua được vé tàu và mua đúng vé tàu ưng ý. Hầu hết các vé tàu chặng ngắn từ Tháp Chàm đi các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… đều đã kín chỗ. Để có vé về Tết, nhiều hành khách phải chấp nhận mua tuyến xa hơn.

Nhân viên ga Tháp Chàm bán vé tàu cho hành khách.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngà, ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) dự định về Nghệ An ăn Tết. Do có con nhỏ lại phụ thuộc thời gian nghỉ Tết của cơ quan, nên chị tìm mua vé giường nằm đi vào ngày 25 tháng Chạp từ ga Tháp Chàm về tới ga Vinh. Tranh thủ thời gian, chị thường vào mạng tìm và đặt vé, nhưng sau nhiều ngày vẫn không thể mua được vé như mong muốn. Cuối cùng chị đành phải chấp nhận tốn thêm một khoản tiền để mua vé chặng xa hơn tới ga Thanh Hóa và lên tàu sớm hơn dự định 2 ngày. Chị Ngà tâm sự: Tính cả vé khứ hồi cho 4 người, gia đình mình phải chi phí trên 12 triệu đồng, cao hơn 2 triệu nếu mua vé đúng chặng. Nhưng mua được vé tàu Tết để về quê cũng đã vui lắm rồi. Đối với chị Ngà đó là sự may mắn, bởi còn nhiều hành khách khác tới ga Tháp Chàm và lên mạng tìm mua vé tàu Tết nhưng không thể mua được vé vì chỉ còn ghế cứng, giường chuyển đổi và ghế phụ với những ngày đi không thuận lợi.

Tìm mua vé đi ra Bắc trước Tết đã khó, mua vé tàu vào TP. Hồ Chí Minh sau Tết cũng khó khăn không kém. Đến thời điểm hiện nay, tại ga Tháp Chàm không còn vé giường nằm, ghế ngồi mềm để phục vụ hành khách trong các ngày cao điểm sau Tết (từ 28-1 đến 3-2), mà chỉ còn với số lượng rất ít vé ghế phụ, ghế cứng đi vào những ngày sau đó. Chị Nguyễn Thị An, ở Nhơn Sơn (Ninh Sơn) sau nhiều lần tìm mua vé tàu cho con gái vào TP. Hồ Chí Minh nhập học sau Tết nhưng không thể đặt được vé như mong muốn, gia đình đành phải động viên cháu đi xe khách. Chị An cho biết: Cháu thường bị say xe, nên thường đi tàu, nhưng mỗi lần Tết đến lại lo vì vé tàu dịp này vừa đắt tiền lại rất khó mua.

Theo đại diện ga Tháp Chàm, do đây là đợt cao điểm, lượng người đi lại bằng các phương tiện giao thông, nhất là giao thông đường sắt tăng cao. Trong khi đó, ngành Đường sắt ưu tiên bán vé chặng dài và bán qua hệ thống nên người dân đi tàu chặng ngắn trong dịp này rất khó khăn. Với mác tàu Thống Nhất, đa số hành khách đã mua khứ hồi ngay những ngày đầu mở bán, nên hiện nay ga không còn vé tàu Tết để bán, mà chủ yếu là chờ vé đổi trả để bán bổ sung.

Được biết, trong dịp Tết Canh Tý 2020 ngoài các đoàn tàu chạy thường xuyên, ngành Đường sắt còn tổ chức chạy thêm 27 đoàn tàu tăng cường từ ga Sài Gòn đến các ga Nha Trang, Diêu Trì, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa và Hà Nội. Để chống tiêu cực, đầu cơ vé tàu Tết, ngành Đường sắt áp dụng quy định: Mỗi hành khách được đặt chỗ và mua không quá 4 vé cho chiều đi và 4 vé chiều về. Mức khấu trừ trả vé, đổi vé là 30% đối với các vé đi tàu. Thời gian đổi, trả vé chậm nhất trước 10 giờ tàu chạy. Ngành Đường sắt cũng khuyến cáo người dân khi mua vé phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân; nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin đi tàu khi cần thiết. Để tránh việc mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, đại lý thuộc ngành Đường sắt quản lý để đảm bảo quyền lợi và tránh thiệt hại về tài chính.