Hãy cùng hành động để ứng phó với những thách thức về tài nguyên nước

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT)

...Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) trong đó có Việt Nam đều là những quốc gia đang phát triển, chưa có đủ năng lực ứng phó với tất cả các thách thức phức tạp của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Do vậy, nhu cầu cấp bách trước mắt là nâng cao nhận thức, khuyến khích thúc đẩy các cách tiếp cận mới trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý đô thị cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan. Việc từng bước tiệm cận QLTNN trong bối cảnh đô thị hóa và BĐKH có tầm quan trọng đặc biệt, với sự tham gia rộng rãi hơn của các chủ thể và bên liên quan. Cần xem xét một cách đầy đủ mối quan hệ hữu cơ giữa hệ thống các nguồn nước với phạm vi và không gian khu vực đô thị-nông thôn. Và hơn hết, nhất thiết phải thiết lập được cơ chế điều phối liên ngành ở các cấp ra quyết định khác nhau.

 Không có nhận thức thì sẽ không có hành động! Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của TNN, việc khai thác sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này đã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ninh Thuận là một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ với tổng lượng mưa trung bình từ 700 đến 1.000 mm/năm trong khi lượng bốc hơi từ 1.600 đến 1.700 mm/năm và chỉ có 1 LVS chính là Sông Cái - Phan Rang. Các sông có diện tích lưu vực nhỏ, sông hẹp và ngắn, vùng đầu nguồn chủ yếu là rừng nghèo nên nguồn nước không phong phú, nhiều sông suối mùa khô không có nước. Tài nguyên nước dưới đất của Ninh Thuận cũng thuộc loại nghèo, các tầng chứa nước mỏng, mực nước ngầm nông do vậy trữ lượng nước dưới đất chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước. Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh khô hạn nhất trong cả nước.

Là tỉnh khan hiếm nước, nhưng nguồn nước của Ninh Thuận cũng đang chịu những sức ép rất lớn từ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội trong đó phần lớn sức ép này đến từ khu vực đô thị bao gồm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các thị trấn, thị tứ. Trong các đô thị của tỉnh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được dự báo sẽ có tốc độ đô thị hóa cao trong thời gian từ nay đến năm 2020 như đề ra trong “Đề án xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009.

Do vị trí và điều kiện tự nhiên, Ninh Thuận cũng được đánh giá là địa phương có mức độ dễ bị tổn thương cao trước những tác động của BĐKH, nước biển dâng và các loại hình thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và sa mạc hóa...

Chúng tôi hy vọng rằng, sự kiện này sẽ thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các báo đài, cơ quan truyền thông và cộng đồng dân cư tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trên toàn tỉnh Ninh Thuận cũng như trên toàn quốc.

Chúng tôi tin tưởng rằng các hoạt động trong chiến dịch này có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi và cách ứng xử với tài nguyên nước của các đối tượng tham gia. Hy vọng đây sẽ là những nhân tố tích cực trong việc tiếp tục chuyển tải thông tin, tri thức và ý tưởng đến các nhóm đối tượng khác trong xã hội.

Chúng ta hãy cùng hành động để ứng phó với những thách thức về tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển đô thị bền vững!

____________

Tựa đề của Báo Ninh Thuận.