Thuận Bắc nỗ lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Thuận Bắc phát huy tinh thần đoàn kết, huy động mọi nguồn lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến tích cực về mọi mặt. Trong tổng số 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết đề ra, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Công nghiệp tạo bứt phá

Nhìn lại chặng đường 5 năm để thấy, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc đã đổi mới tư duy, linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế trụ cột. Nổi bật là huyện tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020; trong đó, xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm về công nghiệp chế biến và phát triển năng lượng tái tạo để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Từ việc chỉ đạo đúng hướng, các ngành công nghiệp lợi thế như chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư mở rộng. Đơn cử, Nhà máy Thạch rau câu Sơn Hải vận hành đã thúc đẩy nghề sản xuất rong sụn phát triển theo chuỗi giá trị. Tiềm năng, lợi thế mới về năng lượng tái tạo cũng được phát huy hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng của ngành Công nghiệp 23,5%/năm. Giai đoạn này huyện thu hút 9 dự án điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất 756 MW. Đến nay, 5 dự án đã hoàn thành, đi vào vận hành thương mại; trong đó, có những dự án lớn như Điện gió Đầm Nại, Điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện… với tổng công suất 550 MW, sản lượng điện thương phẩm khoảng 1,4 tỷ kWh/năm.

Thuận Bắc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển điện mặt trời, điện gió.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao, 67,3 % (chỉ tiêu 47,8%) tổng giá trị sản xuất các ngành cho thấy lãnh đạo huyện đã bám sát mục tiêu chủ yếu, đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trong suốt cả nhiệm kỳ, huyện làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án công nghiệp. Thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và tiến hành đầu tư các dự án trên địa bàn; quan tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giúp các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh, đúng theo kế hoạch. Từ năm 2016 đến nay, huyện thu hồi gần 724 ha đất của 1.250 hộ gia đình, cá nhân và 23 tổ chức phục vụ triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích cho người dân, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Nông nghiệp phát triển bền vững

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp cũng phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 16,4%, chiếm tỷ trọng 22% tổng giá trị sản xuất các ngành. Để đạt mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bên cạnh phát triển năng lượng tái tạo, huyện đẩy mạnh thực hiện chiến lược đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế sản xuất trên địa bàn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, huyện ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới. Giai đoạn 2016-2020, huyện huy động các nguồn vốn đầu tư 8,4 km kênh mương, 2 trạm bơm, 1 đập dâng thủy lợi, với tổng mức đầu tư 64 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa nước, 14 đập dâng, 2 trạm bơm, năng lực tưới khoảng 3.142 ha đất canh tác. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Trong thực hiện Chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện có cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế ở từng xã đó là xác định rõ các loại cây trồng lợi thế để tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, đã hình thành nhiều mô hình có hiệu quả, thúc đẩy sản xuất phát triển trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và giá trị đơn vị sản xuất; trong đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng nhanh, đạt hơn 96 triệu đồng/ha/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Từ thành công trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, đã đưa ngành Nông nghiệp phát triển lên tầm cao hơn, theo hướng bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 289 ha, năng suất đạt từ 7,3-8 tấn/ha; nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gắn với quy hoạch đồng cỏ. Điểm nổi bật trong thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị là huyện đã xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công Thương) công nhận thương hiệu sản phẩm đặc thù heo đen và gà Thuận Bắc.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, tình hình kinh tế - xã hội ở Thuận Bắc chuyển biến trên một số lĩnh vực và có bước phát triển mới. Một số chỉ tiêu đề ra như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách về đích sớm so với kế hoạch. Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất và hiệu quả tiếp tục được tăng lên, một số mô hình mới được nhân rộng. Các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh, tạo năng lực tăng thêm. Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đạt được kết quả đó là nhờ có sự hỗ trợ của cấp trên, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát có trọng tâm, trọng điểm của Huyện ủy, UBND huyện; nhất là tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của từng ngành, từng xã là nét mới. Tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, thời gian tới, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển, nhất là thế mạnh về công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ.