Tăng cường phòng, chống “Tham nhũng vặt” hiệu quả

Để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiến tới chấm dứt tình trạng ‘tham nhũng vặt”; Ban Thường vụ tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 62-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống “tham nhũng vặt”.

Qua đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, đề ra các giải pháp hữu hiệu phòng, chống “tham nhũng vặt” đạt kết quả cao nhất, tiến tới chấm dứt “tham nhũng vặt”.

Có thể nói “tham nhũng vặt” đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội, làm mất lòng tin của người dân vào Đảng, chính quyền. Chúng ta tạm hiểu “tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua thực tế phản ảnh của người dân, “tham nhũng vặt” xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; thuế …và “tham nhũng vặt” biến tướng dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý. Một người dân ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm phản ảnh “tham nhũng vặt” thường xảy ra trong xử phạt hành chính về vi phạm trật tự ATGT, “Nộp tiền phạt nhưng cán bộ CSGT không ghi biên bản hoặc nhờ cán bộ CSGT nộp phạt thay tại Kho bạc nhà nước, nhưng không có biên lai”. Rồi tình trạng “chạy trường”, “chạy tuyển dụng” trong giáo viên vẫn hay xảy ra vào đầu năm học mới; chuyện “văn hóa phong bì” thường xuyên xảy ra khi người dân, doanh nghiệp đến làm các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền để cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần…

Theo nhận định chung, còn tình trạng “tham nhũng vặt” nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là do việc cải cách thủ tục hành chính chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, bất cập tạo kẽ hở cho một số cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, sách nhiễu và có điều kiện để nảy sinh “Tham nhũng vặt”. Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có mặt còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chặt chẽ nên chưa phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp “tham nhũng vặt”. Nhất là nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mạnh dạn, quyết liệt đấu tranh, phê phán, lên án các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.

Do đó, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” trong thời gian tới có kết quả, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiến tới chấm dứt tình tạng ‘tham nhũng vặt”. Cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử đối với công tác phòng, chống “tham nhũng vặt”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc giám sát, phản ảnh kịp thời hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gây bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tinh thần đấu tranh chống “tham nhũng vặt”, nói không với “tham nhũng vặt” trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay, tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và nhân dân trong ngăn chặn, đẩy lùi “tham nhũng vặt” nói riêng và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung. Cần thực hiện tốt việc tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn thư khiếu nại, phản ảnh, tố cáo, tiếp công dân định kỳ, trong đó chú ý đến các nội dung liên quan đến “tham nhũng vặt” để đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Ngoài ra để nhận diện và phát hiện “tham nhũng vặt” cần có biện pháp bảo vệ đối với người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có chính sách bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.