Giải đáp pháp luật Hỏi-đáp về trật tự an toàn giao thông

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đặc biệt là hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của chủ đề Năm An toàn giao thông 2019, với chủ đề: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, góp phần hạn chế và giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và xe mô tô, xe gắn máy; Báo Ninh Thuận giới thiệu một số tình huống Hỏi - Đáp pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Hỏi: Anh Nguyễn Bảo A điều khiển mô tô chở phía sau anh Trần Văn T lưu thông trên đường thì bị lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe và tiến hành đo nồng độ cồn đối với anh A, vì thấy A có dấu hiệu sử dụng rượu bia. Qua kiểm tra, anh A có nồng độ cồn 0,5 miligam/lít khí thở. Do đó, Cảnh sát giao thông lập biên bản, tạm giữ xe 7 ngày, tước Giấy phép lái xe 4 tháng và yêu cầu nộp 3.000.000 đồng vì đã vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Việc cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt với mức như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?

Trả lời: Khoản 8, Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tại điểm c khoản 8 và điểm d Khoản 12 Điều 6; điểm b Khoản 1 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt”

Như vậy, với trường hợp vi phạm của anh Nguyễn Bảo A, Cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ phương tiện 07 ngày, tước Giấy phép lái xe 03 tháng và phạt tiền 3.000.000 đồng là đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, người tham gia giao thông “đã uống rượu bia- không lái xe” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và cho người khác.

Hỏi:  Chị Trần Thu H chạy xe máy lưu thông trên tuyến đường 16 Tháng 4 qua ngã 4 đường Ngô Gia Tự, tín hiệu đèn giao thông khi đó chuyển sang màu vàng, do có việc gấp nên dù thấy đèn vàng và xe chị chưa chạy tới vạch dừng nhưng chị H vẫn đi tiếp. Sau đó, chị H bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và xử phạt phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, chị H bị cảnh sát giao thông xử phạt hành chính có đúng quy định không?

Trả lời: Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008, hệ thống đèn tín hiệu có ba màu: Xanh, vàng và đỏ. Ý nghĩa của các loại đèn được quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau: “Tín hiệu đèn giao thông có ba màu: tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”

Tín hiệu đèn Vàng được cụ thể hoá tại Điều 10 trong Quy chuẩn số 41/2016/BGTVT như sau: “Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn“Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể như sau: “Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ…

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm....Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

Ngoài ra chị H còn bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định như sau: “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như:.... tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;…”

Theo những quy định trên thì người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông không chỉ bị phạt khi vượt đèn đỏ, mà còn bị phạt khi vượt đèn vàng và sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Do đó, việc cảnh sát giao thông phạt chị H như vậy là đúng quy định của pháp luật.

Hỏi: Anh Bình hành nghề chở khách bằng xe máy, khi chở khách anh Bình thường đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai mũ. Một lần, anh đang chở khách thì anh bị cảnh sát giao thông phát hiện, ra hiệu lệnh dừng xe và lập biên bản, yêu cầu anh nộp phạt về hành vi này. Tuy nhiên, anh Bình cho rằng việc đội mũ bảo hiểm của mình như thế là không vi phạm pháp luật, cài quai hay không cài quai cũng không ảnh hưởng gì và anh có đội mũ bảo hiểm là được. Anh Bình không đồng ý với quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông. Xin hỏi hành vi không cài quai mũ bảo hiểm như trên có vi phạm pháp luật không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30, Luật Giao thông đường bộ quy định: người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Điểm i, Khoản 3, Điều 6 quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

- “Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”;

Như vậy, những người đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách thể hiện ý thức không chấp hành pháp luật, cần phải bị xử phạt nghiêm minh. Do đó, hành vi của anh Bình là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, để bảo vệ tính mạng cho mình và đảm bảo an toàn cho người khác, người tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đội mũ đúng quy cách nhằm hạn chế các vụ tai nạn do đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn và không đúng quy cách.

Hỏi: Khi điều khiển phương tiện giao thông đến chỗ giao nhau với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người điều khiển phương tiện giao thông nên xử lý thế nào? Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải đứng cách xa đường ray bao nhiêu mét?

Trả lời: Trường hợp khi điều khiển phương tiện giao thông đến chỗ giao nhau với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông cần thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật giao thông đường bộ như sau: “Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi”.