Khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và dân số, làm phát sinh số lượng lớn rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các chất thải nhựa, chất thải rắn khó phân hủy. Những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm trong chỉ đạo, quản lý, xử lý chất thải rắn nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ có nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận đặt tại thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) vận hành và xử lý tái chế rác thải sinh hoạt thành hạt nhựa và phân bón hữu cơ. Trung bình mỗi ngày công ty thu gom khoảng 240-300 tấn chất thải rắn. Rác thải mỗi ngày được đưa về nhà máy, sau đó phân loại thành rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp, túi nylon được tái chế thành hạt nhựa, phôi nhựa, ván cốt pha, bao bì…

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận
phân loại rác sinh hoạt.Ảnh: Uyên Thu

Rác thải tại nguồn được phân thành 3 loại gồm: chất thải rắn có thể đốt, rác tái chế có thể tạo phân bón và chất thải rắn chôn lấp được để riêng, tạo thuận lợi cho công nhân vệ sinh thu gom. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường, hạn chế mùi, giảm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt. Tuy nhiên, tại tỉnh ta vấn đề nan giải hiện nay là việc phân loại rác sinh hoạt tại các hộ dân, tổ chức. Người dân chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải. Nhiều hộ cứ bỏ chung vào một chỗ chứa rác và chờ công nhân vệ sinh đến thu gom.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở khu phố 5, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Thông thường rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình, bao gồm cả thức ăn thừa, bịch nylon đựng thức ăn, các chai nhựa, chai thủy tinh… tôi đều bỏ chung vào một bọc và để trước nhà chờ công nhân vệ sinh đến thu gom. Thật sự tôi cũng không biết phân loại rác ra sao, mà tôi thấy công nhân vệ sinh cũng đều thu rác chung trên một xe, chưa nghe ai nói đến việc phân loại rác thải.

Để tái chế được rác thải sinh hoạt thì việc phân loại rác tại nguồn phải được ưu tiên hàng đầu. Vậy nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà việc triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tại tỉnh ta khó thực hiện.

Nói về vấn đề khó khăn, ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận chia sẻ: Nguyên nhân khó thực hiện phân loại rác tại nguồn là do ý thức của người dân chưa cao, ngoài ra để việc triển khai phân loại rác thải có hiệu quả thì công ty cần trang bị thêm xe để thu gom từng loại rác, tuy nhiên hiện công ty vẫn chưa đủ xe. Hơn nữa việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần có chủ trương, chính sách và phải được thực hiện đồng bộ tại các địa phương mới tạo được tính liên tục và thói quen cho người dân.

Để việc phân loại rác thải trở thành ý thức thường ngày của người dân, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, phù hợp vào xử lý rác sinh hoạt chất thải rắn, qua đó góp phần bảo đảm môi trường sống sạch, đẹp.