Từ sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản

Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam sẽ an toàn hơn

Cùng với sự tàn phá của động đất và sóng thần ở Nhật Bản, sự cố phóng xạ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) đang đặt ra nhiều câu hỏi về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Chính vì thế nên khi trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo các cơ quan chức năng và các nhà khoa học Việt Nam đều khẳng định đây là một sự kiện quan trọng để Việt Nam xem xét, rà soát lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình ở Ninh Thuận, sẽ khởi công vào năm 2014.

Công nghệ nào đảm bảo an toàn?

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho biết khi sự cố xảy ra, các hệ thống dừng lò khẩn cấp của nhà máy Fukushima 1 đã hoạt động theo đúng chức năng thiết kế. Máy phát điện diesel dự phòng đã hoạt động ngay lập tức sau khi mất điện lưới để cung cấp điện cho hệ thống làm mát khẩn cấp và hoạt động liên tục trong 1 giờ trước khi có sóng thần ập đến làm ngập lụt và hư hại máy phát điện dự phòng. Khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt động lò phản ứng, gây ra cháy nổ…

Phối cảnh mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

“Phân tích về công nghệ, ông Tấn cho hay, yếu điểm của hệ thống giải nhiệt dư của Nhà máy Fukushima vẫn là sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1970 và 1980 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng. Nguyên lý an toàn thụ động dựa trên các quy luật vật lý tự nhiên như đối lưu tự nhiên và lực trọng trường để thiết kế hệ thống an toàn của lò phản ứng. Do đó khi xảy ra sự cố mất nước trong vùng hoạt của lò phản ứng như trường hợp này thì nước từ bình chứa dự trữ trên nóc lò phản ứng tự động chảy xuống thùng lò phản ứng để làm nguội vùng hoạt của lò phản ứng mà không cần phải sử dụng máy bơm nước như trong trường hợp của Nhà máy Fukushima.

Đối với Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định phải sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, đảm bảo độ an toàn và kinh tế. Những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính an toàn thụ động thì khi xảy ra sự cố tương tự nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung. Như thế độ an toàn của Nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ đảm bảo hơn”.

TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, khẳng định việc lựa chọn công nghệ hết sức quan trọng. Với Việt Nam, chúng ta chắc chắn sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ 3 trở lên, do vậy, tính an toàn cũng sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Ngoài công nghệ còn yếu tố con người. Điều này rất quan trọng vì chúng ta không có đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp cao, vận hành sự cố rất khó khăn. Đây đang là khâu yếu nhất của Việt Nam. “Bên cạnh đó, phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những điều này, tuân thủ vận hành bảo dưỡng, xây dựng và tự giác thực hiện văn hóa an toàn. Qua sự cố này, chúng ta thấy Nhật Bản có hệ thống ứng phó khẩn cấp rất bài bản mà chúng ta phải học tập. Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng hệ thống này” – ông Nhân cho biết.

Làm gì để tránh những nguy cơ lớn?

Các nhà khoa học Việt Nam đều cho rằng, vùng đất của Việt Nam mặc dù ít có khả năng sinh ra động đất như ở Nhật Bản nhưng cũng phải đề phòng để an toàn hơn. Theo ông Tấn, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng hết sức quan trọng. Theo đó, có 3 vấn đề cần quan tâm: Một là, hiện tượng tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, ví dụ như động đất, sóng thần, núi lửa... Thứ hai là những hoạt động của con người có thể gây mất an toàn cho nhà máy. Thứ ba là những yếu tố mà nhà máy có thể làm ảnh hưởng đến khu dân cư. “Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang rà soát, tính toán kỹ lưỡng đến những vấn đề đó trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình ở Ninh Thuận vào năm 2014”, ông Tấn cho biết.

Theo Viện Vật lý địa cầu, ngoài khơi khu vực Nam Trung bộ, cách bờ biển khoảng 150km có dải đứt gãy có thể gây ra động đất. Một vài năm gần đây, dải đứt gãy này gây ra một số trận động đất mạnh từ 4,7 - 5 độ richter. Trong quá trình chuẩn bị dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, viện được mời tham gia khảo sát khu vực này. Việc khảo sát không dừng lại ở khâu đánh giá nền đất, địa chất, đánh giá khả năng xảy ra động đất mà còn quan tâm cả tới khả năng bị ảnh hưởng bởi động đất từ các nơi khác lan đến. Theo đó, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đơn vị thiết kế sẽ phải cộng thêm một cấp kháng chấn so với mức độ chống chịu động đất cực đại. Cụ thể là tại khu vực Ninh Thuận, nơi được xác định là vùng có thể động đất cấp 5 - 6, sẽ phải thiết kế nhà máy điện hạt nhân có mức độ chống chịu động đất ít nhất là cấp 6 hoặc cấp 7.

Viện Vật lý địa cầu cũng đánh giá mọi rủi ro về động đất, sóng thần cũng như các tác động địa chất khác ở khu vực xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và thấy rằng, cường độ động đất ở đây dù đạt cực đại cũng hầu như không gây thiệt hại về người, nhà cửa trong khoảng cách từ 100 - 200km, vì thế sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai.

Liên quan đến việc ứng phó với những sự cố tương tự của Nhật Bản nếu xảy ra ở Việt Nam trong tương tai, TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, cho biết chúng ta phải sớm xây dựng trung tâm kỹ thuật ứng phó sự cố quốc gia và tại các địa phương với hệ thống các trạm đo đạc phóng xạ, để có thông tin xử lý. Đồng thời cần phải có hệ thống liên kết với quốc tế để khi cần thiết cung cấp thông tin.

(Nguồn: SGGP Online)