Phước Tiến đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Phước Tiến được đánh giá là xã đi đầu ở huyện vùng cao Bác Ái thực hiện tốt Chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nông nghiệp. Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, hỗ trợ triển khai các mô hình hiệu quả, góp phần vào tăng năng suất, chất lượng mặt hàng nông sản và thu nhập cho nông dân.

Cũng như một số xã khác trên địa bàn huyện Bác Ái, sản xuất nông nghiệp ở Phước Tiến gặp khó khăn do đất đai thiếu màu mỡ, thường xuyên bị hạn hán. Trong khi đó, trình độ canh tác của bà con thấp, nên sản xuất kém hiệu quả. Trước đây, bà con trồng bắp, lúa dựa vào nước trời, năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha đối với lúa, 2 tấn/ha đối với bắp. Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một số công trình thủy lợi trên địa bàn được đầu tư phục vụ sản xuất thuận lợi hơn. Kể từ khi hồ Sông Sắt và hồ Trà Co đưa vào sử dụng, nhiều diện tích hoang hóa được cải tạo thành các đồng ruộng canh tác những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Vùng chuyên canh trồng cây mì ở xã Phước Tiến.Vùng chuyên canh trồng cây mì ở xã Phước Tiến.

Trong điều kiện kinh tế của bà con còn hạn hẹp, để đẩy nhanh tiến độ chuyển giao KH-KT vào sản xuất, xã lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ các hộ triển khai nhiều mô hình mới. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước thích ứng với biến đổi khí khậu. Tập trung vận động nhân dân phát triển sản xuất, trồng bắp chuyên canh tại 2 cánh đồng thôn Suối Đá và thôn Trà Co 2. Phát triển vườn cây ăn trái như bưởi da xanh, dừa, mít, chuối tại thôn Suối Rua theo hướng kết hợp du lịch vườn cây sinh thái. Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị, được sự hỗ trợ của cấp trên, xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo bứt phá về hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa. Đến nay, có 3 doanh nghiệp đến xã đầu tư, hợp đồng với các hộ trồng bắp sinh khối chế biến thức ăn cho gia súc, ứng dụng KH-KT vào sản xuất.

Nhìn lại hoạt động chuyển giao KH-KT vào sản xuất nông nghiệp ở xã Phước Tiến để thấy, quá trình thực hiện xã chú trọng áp dụng cho các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chuyển đổi 135 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả và một số diện tích không chủ động được nguồn nước sang cây trồng có năng suất cao, chịu hạn tốt. Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo bền vững, xã đã hỗ trợ 5 hộ cải tạo ruộng bậc thang với diện tích gần 5 ha để trồng bắp sử dụng công nghệ tưới phun mưa, đạt năng suất 6 tấn/ha. Mô hình có sức lan tỏa, nhanh chóng được nhân rộng. Đến nay, có hàng chục hộ dân trên địa bàn đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng 13,5 ha cây ăn trái, như: bưởi da xanh, thanh long, mít.

Đồng chí Chamaléa Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tiến, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển giao KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, xã tiến hành rà soát, xây dựng các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, gắn liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Quá trình thực hiện có sự phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, đoàn viên- thanh niên về cơ sở hỗ trợ khâu kỹ thuật cho bà con. Tiếp tục thực hiện Chương trình chuyển giao KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, xã tập trung hỗ trợ triển khai các mô hình có hàm lượng khoa học cao hơn. Cụ thể, tại các vùng chủ động nước tưới hình thành cánh đồng lớn, sản xuất tập trung. Các vùng mới khai hoang bố trí cây trồng hợp lý, cải tạo đất bằng phân hữu cơ; phát triển cây mì, mía. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước theo hướng đồng bộ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản.