KỶ NIỆM 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019)

Hãy xứng đáng với vị thế nhà giáo

(NTO) Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Từ thời phong kiến, người thầy đã có vị trí xã hội rất cao. Trong bậc thang giá trị xét theo cấu trúc “Quân- Sư- Phụ”, nhà giáo được xếp dưới vua nhưng trên cha mẹ. Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Không những nắm đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.

Trong lịch sử dân tộc ta đã có nhiều bậc thầy cao quý như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu... Chính những người thầy như vậy đã góp phần làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta.

Dù còn không ít những thách thức trước mắt, nhưng chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt là truyền thống của nhà giáo trong suốt chặng đường phát triển 74 năm nền giáo dục cách mạng (1945-2019) đã ghi nhận biết bao nhà giáo vừa cầm bút, vừa cầm súng, biết bao nhà giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân để cho đất nước mãi mãi xanh tươi; biết bao thầy cô giáo đến với vùng cao để đem ánh sáng văn hoá đến cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi tận cùng của Tổ quốc. Họ là những anh hùng vô danh, dù tên tuổi không được ghi trên bia đá, bảng vàng.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tặng hoa chúc mừng thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: V.M

Mùa thu năm 1982, giữa lúc sôi nổi của thời kỳ đầu cải cách giáo dục lần thứ 2, Đảng và Nhà nước ta đã có một quyết định làm nức lòng giáo giới cả nước: Lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với sự ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam, Giáo dục và Nhà giáo đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Giáo dục đã được đặt ở vị trí trung tâm của hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội. Truyền thống và hành động tôn sư trọng đạo không chỉ bó hẹp trong đội ngũ học sinh, sinh viên mà được sự quan tâm của nhân dân cả nước. Ngày 20-11 hàng năm trở thành ngày hội giáo dục của toàn dân, đó chính là động lực thúc đẩy tinh thần, tình cảm và quyết tâm của Nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo. Người chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Được coi trọng như vậy, người thầy phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội.

Ngành giáo dục tỉnh nhà trong suốt thời gian qua đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã đào tạo và cung cấp hàng chục ngàn học sinh có kiến thức để học tiếp lên cao, học nghề hoặc mang kiến thức phổ thông vận dụng vào cuộc sống lao động sản xuất… Nhiều học sinh đã trở thành cán bộ tốt phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, vai trò và nhiệm vụ của người thầy lại càng quan trọng hơn, bởi họ có trọng trách tạo nên đội ngũ học sinh có tri thức, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng đất nước.

Nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới mạnh mẽ. Đội ngũ nhà giáo của cả nước với tâm huyết, năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần nỗ lực đang là chủ thể, lực lượng và động lực to lớn tạo ra sự chuyển biến phát triển của nền giáo dục nước nhà. Các thầy giáo, cô giáo của chúng ta đang là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Thật đáng buồn là trong thời gian qua vẫn còn một số giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; chưa tâm huyết với nghề; chưa thông cảm chia sẻ với hoàn cảnh của nhiều học sinh còn khó khăn; nặng về thực dụng, tiêu cực trong dạy thêm học thêm; quá khắt khe với học trò, chưa tạo môi trường thân thiện cho học sinh…Chúng ta cũng chia sẻ sâu sắc với hoàn cảnh của nhiều nhà giáo còn khó khăn, túng thiếu, bệnh tật. Xót xa, ngậm ngùi vì còn nhiều học sinh chưa ngoan, vô lễ với thầy, cô giáo, thậm chí xúc phạm đến nhân phẩm thầy, cô giáo của mình và cũng còn không ít những chuyện bẽ bàng khác.

Nhưng từ trái tim mình, chúng ta có thể tự hào khẳng định: Vinh quang Nhà giáo Việt Nam. Dù rằng ở đâu đó trong đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn có người chưa gương mẫu, chưa xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Việt Nam, nhưng không thể vì những hiện tượng cá biệt này mà phủ nhận hàng triệu nhà giáo đang tâm huyết hàng ngày, hàng đêm miệt mài trên lớp, bên trang giáo án cống hiến tâm lực của đời mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Được sự quan tâm, hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với sự nỗ lực của mỗi thầy giáo, cô giáo và cộng đồng giáo giới, nhất định đội ngũ nhà giáo chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh và vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành sứ mệnh trồng người cao cả.

Mỗi dịp chào đón ngày 20-11, các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của Ngành. Càng vinh dự và tự hào, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm lớn lao mà ngành Giáo dục phải phấn đấu để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Nhân ngày 20-11, xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, những chia sẻ sâu sắc nhất và những bó hoa tươi thắm nhất.