Ninh Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Định hướng giai đoạn 2011-2020, Ninh Thuận đang kêu gọi ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 8 cụm công nghiệp: Thành Hải, Tháp Chàm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam), Tri Hải (Ninh Hải), Tân Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái), Suối Đá (Thuận Bắc).

1. PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP:

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải pháp hàng đầu là phát triển ngành công nghiệp, trong đó giải pháp đột phá là xây dựng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Năm 2007, Ninh Thuận đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Du Long và Phước Nam.

Định hướng giai đoạn 2011-2020, Ninh Thuận đang kêu gọi ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 8 cụm công nghiệp: Thành Hải, Tháp Chàm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam), Tri Hải (Ninh Hải), Tân Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái), Suối Đá (Thuận Bắc).

Ninh Thuận sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

2. CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG CÁC ĐÔ THỊ:

Tận dụng lợi thế về địa kinh tế hình thành các khu đô thị tập trung, có qui mô hợp lý, hình thành các Trung tâm kinh tế của từng vùng, đô thị hóa nông thôn và đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Định hướng phát triển mạng lưới đô thị của tỉnh trong thời gian tới sẽ tổ chức theo 2 mô hình chủ yếu:

- Chuổi đô thị Bắc - Nam: Dọc QL 1A và hành lang ven biển làm động lực chính của tỉnh, lấy thành phố Phan Rang-Tháp Chàm làm trung tâm, nhằm khai thác các tiềm năng phát triển dọc hành lang giao thông của QL 1A và không gian kinh tế biển;

- Chuổi đô thị Đông - Tây: Kết nối các thị trấn huyện lỵ, các đô thị loại V phát triển dọc QL 27B, 27A, các Tỉnh lộ 702, 703, 704 nối các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tiểu vùng trong tỉnh.

* Phương hướng phát triển một số đô thị của tỉnh:

1. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học công nghệ của tỉnh, là đô thị hạt nhân của các khu vực xung quanh thành phố, đầu mối giao thông liên vùng. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, với qui mô dân số đến năm 2015 là 190 ngàn người, 2020 là 210 ngàn người và năm 2025 là 230 ngàn người. Hình thành một số khu đô thị mới, phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, xây dựng các khu chung cư cao cấp, nhà cho thuê văn phòng, là trung tâm đào tạo của tỉnh. Xây dựng, nâng cấp mạng lưới kết cấu hạ tầng (giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, nhà ở, công viên cây xanh...). Xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hiện đại (khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị...) và các khu du lịch chất lượng cao, quy mô lớn. Tập trung phát triển công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn tại các cụm công nghiệp Thành Hải, Tháp Chàm.

Phát triển không gian đô thị theo hai hướng: Hướng Đông (hướng ra biển), tạo trục không gian nối đô thị cũ với các khu du lịch ven biển; hướng Tây Bắc ra ga Tháp Chàm, phát triển song song với quốc lộ 27. Toàn bộ diện tích đất phía Tây đường Yên Ninh quy hoạch thành khu nhà biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ. Tập trung phát triển các khu dân cư mới thuộc chương trình phát triển nhà ở đô thị.

2. Đô thị Phước Dân: Thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện Ninh Phước. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch làng nghề, sản xuất nông, lâm nghiệp.

3. Đô thị Khánh Hải: Thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện Ninh Hải và là đô thị du lịch của tỉnh.

4. Đô thị Tân Sơn: Thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện Ninh Sơn, là đầu mối giao thông liên vùng, dự kiến phát triển thành đô thị loại IV vào năm 2020 để hình hành thị xã Tân Sơn, là đô thị - trung tâm kinh tế- chính trị của tiểu vùng miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, là đầu mối cửa ngõ phía Tây của tỉnh với các tỉnh Tây nguyên.

5.  Đô thị Cà Ná: Là đô thị mới, được hình thành vào giai đoạn đến năm 2015; trung tâm kinh tế, đặc biệt kinh tế biển phía Nam của tỉnh, điểm du lịch biển, đô thị cửa ngõ phía Nam của tỉnh.

  6. Đô thị Lợi Hải: Đô thị mới; thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện Thuận Bắc, đô thị công nghiệp.

7. Đô thị Phước Nam: Đô thị mới; thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện mới Thuận Nam và là đô thị công nghiệp lớn phía Nam của tỉnh.

8. Đô thị Phước Đại: Thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện Bác Ái.

9. Đô thị Thanh Hải: Đô thị hình thành do sự phát triển của bến cá Mỹ Tân, dịch vụ du lịch sinh thái biển và khu, cụm công nghiệp.

  9. Đô thị Sông Pha: Là thị trấn huyện lỵ Ninh Sơn mới, dự kiến thành lập giai đoạn 2016- 2020.

3. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG, NHẤT LÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG GIAO THÔNG KẾT NỐI KINH TẾ VÙNG, TRỌNG TÂM LÀ TUYẾN ĐƯỜNG VEN BIỂN:

Định hướng của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới phát triển cơ sở hạ tầng kết nối với các tỉnh trong vùng nhằm tận dụng điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của vùng đã được đầu tư như là cảng biển nước sâu và sân bay Cam Ranh, nằm trong bán kính 40 km của tỉnh. Tháng 12/2009, sân bay Cam Ranh đã trở thành cảng hàng không Quốc tế. Để tiếp tục hưởng lợi từ mối liên kết này, tỉnh đã triển khai dự án đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2012 sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng này, và đang triển khai nâng cấp đường quốc lộ kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến Phan Rang- Tháp Chàm. Khi đó ,du khách đến Ninh Thuận với nhiều phương tiện được lựa chọn, rất thuận tiện và hấp dẫn bằng hai hướng đi từ sân bay Cam Ranh qua tuyến quốc lộ 1A hoặc bằng tuyến đường ven biển bằng du thuyền. Về lâu dài khi tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang hoàn thành, giúp Ninth Thuận tiếp tục kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung, với các thị trường lớn trong cả nước.

Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh để khai thác các tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy nhanh việc hình thành các khu du lịch biển và phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới.

Nguồn Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận