Phát huy hiệu quả công tác phòng và khống chế dịch tả lợn châu Phi

Cuối tháng 8-2019, tại khu phố 1, thị trấn Tân Sơn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên của tỉnh. Chỉ ít ngày sau, dịch đã bùng phát, xuất hiện thêm tại một số xã lân cận và 2 xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), Phước Thắng (Bác Ái) khiến nhiều địa phương và các hộ chăn nuôi hết sức lo lắng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai dập dịch, đến nay cơ bản DTLCP đã được khống chế và xử lý hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau hơn 2 tháng xuất hiện dịch trên địa bàn tỉnh, DTLCP đã xảy ra tại 31 hộ chăn nuôi của 17 thôn, khu phố, thuộc 8 xã, thị trấn của 3 huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái. Riêng trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận có 196 con lợn mắc bệnh DTLCP chết, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 7.434 kg của 7 hộ mới và 4 hộ cũ, thuộc 5 xã, thị trấn của huyện Ninh Sơn. So với tháng 9, số lượng lợn tiêu hủy giảm 73%, trọng lượng tiêu hủy giảm 83,9%. Với sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương, tình hình DTLCP tại 2 huyện Thuận Bắc và Bác Ái đã được khống chế và đã được công bố hết dịch trên toàn huyện. Đây là những địa phương có ổ dịch qua 30 ngày, nhưng không phát sinh thêm ổ mới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, an toàn. Đáng ghi nhận là trong tháng 10, DTLCP chỉ xuất hiện tại một thôn với 2 hộ dân thuộc xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Cán bộ thú ý phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại xã Lương Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: H.P

Để khống chế, dập dịch hiệu quả, các ngành, địa phương đã chú trọng từ công tác chỉ đạo, đến triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý ổ dịch, kiểm soát nguồn lây. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương cũng đã tích cực triển khai 6 đợt cao điểm Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên diện rộng. Đến nay, tỉnh đã cấp cho các địa phương trên 20,6 ngàn lít thuốc khử trùng benkoxid và 3.368 kg vôi bột để tổ chức phun, xịt tại các điểm tập trung và các hộ chăn nuôi, nhằm xử lý các nguy cơ phát sinh mầm bệnh.

Sau khi có quyết định công bố dịch, ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương thông báo, chủ động phương án xử lý và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn chết, lợn bệnh; cử cán bộ thú y theo dõi, giám sát diễn biến dịch tại các hộ có lợn bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ giám sát việc vận chuyển lợn và phun tiêu độc khử trùng phương tiện ra, vào các vùng dịch. Không chỉ giám sát xử lý ổ dịch, lực lượng Thú y cũng đã tăng cường giám sát việc nhập lợn vào tỉnh, đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông qua địa bàn, thông qua các trạm, chốt kiểm dịch phúc kiểm lợn quá cảnh được bố trí trên các tuyến quốc lộ. Công tác kiểm soát giết mổ cũng được triển khai đầy đủ, thặt chặt từ lúc nhập gia súc đến khi xuất sản phẩm ra thị trường tiêu thụ và thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng cơ sở sau mỗi ca giết mổ. Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong tháng 10, Trạm kiểm dịch đã kiểm soát trên 120 ngàn con lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh, chủ yếu lượng lợn vận chuyển từ Nam ra Bắc. Trong đó lượng lợn nhập vào và xuất ra địa bàn tỉnh ta cũng diễn ra thường xuyên với số lượng khá lớn. Lượng lợn xuất bán ra ngoài tỉnh trong tháng khoảng 14.000 con và lợn được giết mổ tại địa phương là 5.600 con. Để giám sát, quản lý dịch bệnh, lực lượng Thú y đã thực hiện lấy 380 mẫu, với tổng đàn 46.200 con tại các trang trại chăn nuôi để xét nghiệm virus DTLCP, trước khi lợn được xuất bán ngoài tỉnh để chăn nuôi và giết mổ. Qua xét nghiệm đã kịp thời phát hiện 2 trường hợp lợn bị nhiễm vi rút DTLCP, đã tiến hành xử lý theo quy định.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù bệnh DTLCP đã được khống chế tại địa bàn 2 huyện Thuận Bắc và Bác Ái, nhưng tại một số hộ nuôi thuộc huyện Ninh Sơn, dịch vẫn còn diễn ra, chưa qua 30 ngày và đang trong quá trình tiếp tục kiểm soát, dập dịch. Vì vậy, địa phương có dịch, cần tiếp tục chủ động khoanh vùng dịch và vùng đệm để kiểm soát, không để bệnh lây lan ra diện rộng; đặc biệt không để lây nhiễm vào địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Các sở, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống DTLCP; tuyệt đối không để người dân vứt xác động vật ra môi trường. Tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về phòng dịch, thực hiện đầy đủ các bước tiêu độc, khử trùng chuồng trại, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và hạn chế tái đàn ở những vùng nuôi có dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt, phát huy hiệu quả trong công tác phòng và dập dịch, hy vọng trong thời gian tới DTLCP tại tỉnh ta sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vùng nuôi an toàn, từng bước ổn định sản xuất.