Chọn trường, chọn ngành nhiều cơ hội trúng tuyển

Khi chọn trường, chọn ngành dự thi, hầu hết nhiều bạn chỉ quan tâm đến bằng cấp của trường công lập, những ngành học “hot”, đến cơ hội việc làm... Mặc dù công tác hướng nghiệp đã dần định hướng học sinh chọn ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp nhưng chỉ những điều đó thôi dường như chưa đủ để bạn giành được “tấm vé” đại học. Bởi ngoài chọn ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp, thì yếu tố quyết định để giành được “tấm vé” đại học chính là năng lực học tập của chính mình.

Năng lực học tập của bản thân được đo lường qua quá trình học THPT (rõ nhất là lớp 12), cụ thể qua các môn học có liên quan đến các khối thi đai học. Theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo, đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, vì vậy có thể nhân thêm trọng số cho kết quả học tập ở lớp 12. Từ đó, tự bản thân mỗi học sinh đều có thể xác định được khối thi nổi trội nhất, ghi lại điểm trung bình THPT của 2 khối thi nổi trội nhất. Từ mức điểm trung bình trên, các bạn đã có thể đối chiếu với điểm chuẩn của các trường qua nhiều năm để chọn ngành phù hợp với sức học của mình.

Tuy nhiên, các bạn lưu ý: Cần tham khảo điểm chuẩn của nhiều năm vì hiện nay vẫn còn rất nhiều bạn trẻ chọn ngành dự thi dựa vào “tỷ lệ chọi” của năm trước, cho nên thường không đúng thực tế.

Điểm trung bình (ĐTB) của 2 khối thi mà bạn đã ghi nhận chính là quá trình học ở bậc THPT. Khi dự thi, bạn có thể bị nhiều yếu tố chi phối, đặc biệt là tâm lý của người đi thi, vì vậy bạn cần ước tính tỷ lệ phần trăm làm bài thi tuyển sinh đại học (T). T thường nhỏ hơn 100% và phụ thuộc vào trình độ của mỗi thí sinh. Bạn cũng có thể ước tính T bằng cách thử giải đề thi tuyển sinh của các năm trước (trong điều kiện như trong phòng thi thật), rồi nhân với ĐTB THPT của khối thi tương ứng để có được mức điểm ước đạt. Căn cứ mức điểm này, bạn sẽ có sự lựa chọn chính xác hơn. Ví dụ, bạn có ĐTB THPT khối A là 20 điểm, T 80%, như vậy mức điểm ước đạt của khối A sẽ là 20 X 80% = 16 điểm. Từ mức điểm ước đạt này, đối chiếu với mức điểm chuẩn của các trường qua nhiều năm, bạn sẽ có sự lựa chọn tốt hơn.

Không nên quá lo lắng về nội dung, chương trình đào tạo và bằng cấp đại học vì căn cứ chương trình khung do Bộ Giáo dục –Đào tạo ban hành, các trường xây dựng chương trình đào tạo cho mình. Như vậy, cùng một ngành học, giữa các trường sẽ có ít nhất 60% số môn học là giống nhau. Phần kiến thức chuyên ngành sẽ do các trường quy định tùy thế mạnh, định hướng phát triển của từng đơn vị.

Đào tạo trình độ cao đẳng giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo. Đào tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Như vậy, có thể nói giáo dục đại học giúp bạn chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai nhưng không giới hạn ở một nghề nghiệp cụ thể nào. Bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp bạn chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ: tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, có thể làm chuyên viên chế tạo, lắp ráp và sửa chữa phần cứng; lập trình viên; chuyên viên quản trị hệ thống và an ninh mạng; chuyên viên thiết kế đồ họa web; nhân viên phòng kinh doanh dịch vụ phát triển sản phẩm phần mềm; chuyên viên tư vấn và triển khai phần mềm chuyên viên phòng đào tạo, phòng tổ chức hành chính, phòng kế hoạch tài chính; giảng viên...

Bằng cấp không là yếu tố quyết định việc tuyển dụng mà chính là năng lực thực sự của người xin việc. Bạn không nên quá bị bó buộc vào một nghề nào đó để tìm ra một ngành phù hợp và cần nhìn xa trông rộng, tự lượng sức mình khi chọn một ngành học sau THPT.