Kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử

Ngày 8-11, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tại UBND huyện Bác Ái và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo, trong năm 2019, việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trên địa bàn huyện Bác Ái đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc chuyển tải công văn qua hộp thư điện tử được thường xuyên, ổn định; trang thông tin điện tử của huyện hoạt động hiệu quả, góp phần quảng bá, giới thiệu thông tin kinh tế và tiềm năng đầu tư phát triển của địa phương; việc kết nối thông tin qua hệ thống CNTT từ huyện đến xã được thông suốt, đường công văn đến và đi đều triển khai qua hộp thư điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm…

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình ứng dụng
công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại UBND huyện Bác Ái.

Bên cạnh đó, việc thực hiện ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số hạn chế, nhất là nguồn nhân lực CNTT vẫn còn thiếu, chưa có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn CNTT phục vụ địa phương. Một số địa phương còn hạn chế trong việc khai thác, sử dụng phần mềm TD.Office để xử lý công việc; hệ thống “một cửa hiện đại” tại UBND huyện hiệu quả khai thác sử dụng chưa cao… UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí hàng năm để mua sắm máy vi tính, các thiết bị hạ tầng CNTT cần thiết phục vụ cho hoạt động CNTT tại địa phương; tập huấn, đào tạo phổ cập kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ, công chức trên địa bàn huyện…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những cố gắng, nỗ lực của huyện Bác Ái trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT năm 2019, nhất là việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNNT, việc triển khai hộp thư điện tử từ cấp huyện đến cấp xã… Tuy nhiên đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là nhận thức về vai trò, vị trí của ứng dụng CNTT trong một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; nguồn nhân lực cho CNTT còn thiếu và yếu; việc ứng dụng CNTT chưa nhận được sự quan tâm trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp… Thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND huyện cần nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức về vai trò, vị trí của ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương; lựa chọn những công việc trọng tâm về ứng dụng CNTT để tập trung thực hiện hiệu quả; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho huyện Bác Ái về việc triển khai ứng dụng CNTT, nhất là tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ CNTT cũng như cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Trước mắt đồng chí đề nghị huyện cần cải thiện, củng cố và nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử của huyện; tăng cường kiểm tra việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương để từ đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn.

* Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình ứng dụng
công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: T.Quang

Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT đã đem lại kết quả đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hoạt động dạy và học. Đối với hoạt động giáo dục, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong soạn giáo án, thực hiện bài giảng, khai thác dữ liệu, ứng dụng trong đánh giá, trong học tập của học sinh và trong quản lý giáo dục. Đặc biệt, hiện nay CNTT và internet đã rút ngắn khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền, từng bước làm thay đổi phương thức quản lý trong nhà trường và quản lý hệ thống giáo dục. Trong đó đã trang bị nhiều phần mềm quản lý cán bộ, quản lý học sinh, quản lý tài chính, giảng dạy, thiết bị… Đặc biệt tại cơ quan Sở GD&ĐT đang khai thác phần mềm Văn phòng điện tử TD-Office chung với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và triển khai đến 25 đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong việc ứng dụng CNTT của Sở đó là cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu thiết bị; nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý các phần mềm còn thiếu; quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành trong năm học vừa qua còn chậm…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành GD&ĐT trong việc ứng dụng CNTT trong thời gian qua. Để công tác này đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị toàn ngành phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của việc ứng dụng CNTT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; sở cần ban hành văn bản, kế hoạch cụ thể về ứng dụng CNTT trong toàn ngành để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng CNTT; tiếp tục rà soát các khâu ứng dụng CNTT, lựa chọn những khâu, lĩnh vực trọng tâm, đột phá để cải thiện; đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT đáp ứng tốt nhu cầu khai thác thông tin phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của ngành.