Khoảnh khắc và Sự kiện 9-11

* Trong nước:

- Ngày 9-11-1831: Vua Minh Mạng chia đặt địa hạt các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Tỉnh Hà Nội được thành lập khi đó bao gồm khu vực kinh thành Thăng Long và huyện Từ Liêm, Phủ Hoài Đức, Phủ Ứng Hòa, Phủ Lý Nhân, Phủ Thường Tín.

- Ngày 9-11-1946: Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều.

Đây là bản Hiến pháp dân chủ, phản ánh rõ thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân.

Sau Hiến pháp 1946, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội nước ta đã ban hành các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Mỗi một chế định trong những bản Hiến pháp sau này đều bắt nguồn từ tinh thần, giá trị chính trị và pháp lý của Bản Hiến pháp đầu tiên.

Sau này, ngày 9-11 được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của mọi người dân.

- Ngày 9-11-1949: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giáo viên và học viên lớp “Chuẩn bị tổng phản công” của Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1392.

Bác viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn ta mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn đã đánh thắng giặc Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết tranh lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta...”.

Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng...”.

* Thế giới

- Ngày 9-11-1989: Bức tường Berlin sụp đổ.

Sau hơn 28 năm tồn tại như một trong những biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh lạnh và dấu mốc của sự chia cắt nước Đức, từ năm 1961 đến năm 1989, bức tường Berlin đã được khai thông.

Sự kiện được bắt đầu khi chính quyền CHDC Đức bất ngờ tuyên bố cho phép những người có nguyện vọng được tự do qua biên giới sang Tây Berlin (CHLB Đức) mà không cần bất cứ điều kiện gì.

Bức tường Berlin sụp đổ chấm dứt việc Đông và Tây Berlin bị chia cắt, đồng thời mở đầu cho quá trình thống nhất nước Đức. Đến ngày 13-6-1990, bức tường Berlin được dỡ bỏ hoàn toàn. 

Lính biên phòng Đông Đức đứng gác trên một đoạn Bức tường Berlin trước cổng Brandenburg.

- Ngày 9-11-2004: Nga phóng thành công tên lửa đẩy thế hệ mới “Liên hợp- 2” từ sân bay vũ trụ Plesetsk  ở Tây Bắc Nga, trong lần thử nghiệm đầu tiên.

Tên lửa đẩy “Liên hợp-2” do Nga sản xuất nhằm thay thế các thế hệ tên lửa đẩy “Liên hợp” cũ có công nghệ từ những năm 1960 để đưa các vệ tinh quân sự, thương mại và tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo. Tên lửa “Liên hợp-2” được trang bị hệ thống điều khiển bằng kỹ thuật số và hệ thống máy tính hiện đại, nhờ vậy biên chế đội điều khiển phóng tên lửa được tinh giản đáng kể: từ 70 người trước đây xuống 20 người và chỉ cần 2 người thay cho 40 người trước đây để điều khiển hành trình bay của tên lửa. 

- Ngày 9-11-2013: Mỹ hạ thủy tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford. 

Lễ hạ thủy và đặt tên tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) diễn ra tại cảng quân sự Newport News (thuộc bang Virginia. Đây là tàu sân bay có trọng tải lớn nhất, với chi phí 12,8 tỷ USD, mức cao nhất trong ngành đóng tàu sân bay Mỹ.

Tàu có chiều dài 330m, rộng 41m và có thể chở 90 máy bay các loại. Để vận hành, USS Gerald R. Ford cần đội thủy thủ lên tới hơn 700 người. Những thiết bị lắp đặt trên tàu cho phép USS Gerald R. Ford sản xuất đủ điện và tinh chế đủ nước ngọt phục vụ cho toàn bộ thủy thủ đoàn. Đây được xem như sự khởi đầu một chương mới về khả năng tác chiến trên biển của hải quân Mỹ.

Theo TTXVN