Ngày Đô thị Việt Nam (8-11)

Phát triển đô thị - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với bất cứ quốc gia nào, đô thị hóa đúng hướng luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ở thời điểm gia tăng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế quốc tế, việc tìm kiếm mô hình quản lý và chính sách phát triển đô thị phù hợp đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đô thị tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội

Quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn gắn liền với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa có thể nhận biết thông qua các giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Giai đoạn 1986-1997, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam chưa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt khoảng 23% vào năm 1997. Ở giai đoạn 2000-2010, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn. Năm 1999, Việt Nam có 629 đô thị, đến năm 2010 có 772 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 64 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn.

Một góc đô thị trên đường phát triển tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tạo cơ sở cho quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Tính đến tháng 12-2018, tổng số đô thị cả nước là 833 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38% tăng 0,9% so với năm 2017, đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt đến con số 40%.

Sự gia tăng của quá trình đô thị hóa trong năm 2018 đã giúp cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2017; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2017, đạt 113 % kế hoạch năm.

Cùng với đó, hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng, nhiều công trình tầm vóc khu vực và quốc tế. Với những kết quả đó, đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế đô thị chiếm 70-80% tổng quy mô nền kinh tế. Riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, GRDP năm 2018 đạt 2.4 triệu tỷ, chiếm 40% GDP cả nước.

Để đô thị Việt Nam phát triển bền vững

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, như: Hệ thống đô thị phát triển chưa tương xứng giữa số lượng, quy mô với chất lượng; Nhiều đồ án quy hoạch có tầm nhìn và giải pháp chưa phù hợp; Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; Năng lực quản lý chưa theo kịp với thực tế phát triển. Hầu hết các đô thị lớn trên địa bàn cả nước - đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - cùng với lượng dân nhập cư ngày càng cao là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Để đô thị phát triển bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Xây dựng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Tổng kết đánh giá việc thực hiện Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhằm giải quyết các bất cập của thực trạng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức trong tương lai. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đô thị nhằm phát huy lợi thế của những khu vực đô thị có mật độ kinh tế cao như các vùng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng...

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thiện và trình ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

Tại hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới” (ngày 13-9-2019), theo ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), trong tương lai Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hóa và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn. Do vậy, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào "nền kinh tế tích tụ" và "liên kết vùng", qua đó giải quyết ba nhân tố thể chế quan trọng cho chuyển đổi gồm: phân bổ tài khóa và nguồn lực, đất đai và quy hoạch và dịch chuyển lao động.

TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện thúc đẩy đô thị hóa. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được nhầm lẫn rằng phát triển và mở rộng đô thị sẽ phát triển kinh tế vì phát triển kinh tế và đô thị phải luôn song hành với nhau. Phải định dạng vấn đề này trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và có giải pháp để giảm bớt chênh lệch giữa các vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời phải làm rõ mối quan hệ phát triển công nghiệp giữa các vùng khác nhau”.

Các vấn đề hiện tại của quá trình đô thị hóa cũng như các thách thức tương lai ở Việt Nam đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp với đặc thù của đất nước. Giai đoạn từ nay đến khi Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa 50% là giai đoạn hết sức quan trọng. Khi đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50% trở lên đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình và có điều kiện bứt phá trong phát triển nền kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, có thu nhập cao tương đồng với khu vực. Đây là giai đoạn đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền các đô thị, sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nỗ lực của cộng đồng.

Theo TTXVN