Xây dựng EDO theo mô hình "Một cửa điện tử hiện đại" nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại tỉnh

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng , Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh tại Lễ Kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Văn phòng phát triển Kinh tế (EDO) Ninh Thuận).

… Kính thưa quý vị đại biểu!

Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, môi trường đầu tư kém cạnh tranh, GDP bình quân đầu người xấp xỉ 50% bình quân cả nước… Ninh Thuận xác định cần phải có cách tiếp cận mới, hướng đi riêng, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước, trong đó tập trung 3 nhóm giải pháp cơ bản sau:

- Trước hết là chiến lược và Quy hoạch: Để phát triển nhanh và bền vững chúng ta không thể vừa đi vừa ngoái lại, vừa làm vừa xây dựng và điều chỉnh. Do đó, việc lựa chọn và quyết định con đường đi của mình đi đến đâu và bao giờ đến là hết sức quan trọng, và việc đầu tiên là phải xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) để thực hiện điều này với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế sạch, bền vững, gắn với yếu tố bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

- Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh các quy hoạch chi tiết của các huyện, thành phố và các ngành nhằm tăng cường tính minh bạch, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về quy hoạch, đất đai. Với kinh nghiệm, sự tư vấn và hỗ trợ của các nhà tài trợ, sự ủng hộ của các nhà đầu tư và có chiến lược phát triển đúng đắn, chúng tôi tin Ninh Thuận có thể nổi lên như một mô hình mới cho tăng trưởng toàn diện, để có thể nhân rộng trên địa bàn cả nước.

- Thứ hai, là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về hạ tầng, tập trung phát triển các tuyến đường giao thông kết nối để tận dụng khai thác lợi thế về hạ tầng cảng biển, sân bay của các tỉnh trong khu vực tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, mà trọng tâm là tuyến đường ven biển – hiện đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tuyến đường cao tốc từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, khai thác lợi thế của vùng, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Về phát triển nguồn nhân lực, với mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế, hiện tỉnh đang triển khai liên kết với các trường Đại học (Nông lâm, Điện lực…), các Trung tâm đào tạo có thương hiệu, có uy tín trong và ngoài nước để thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho tỉnh mà cả khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên.

- Thứ ba là tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo sự thuận lợi theo hướng minh bạch, thân thiện, ổn định và có thể dự báo được; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn tài trợ.

Nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (gọi tắt là EDO), chính thức đi vào hoạt động ngày 19-3-2010. Đây là mô hình mới, duy nhất trên cả nước, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng của tư vấn Monitor và mô hình Cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore. Đội ngũ công chức được tập huấn trang bị kiến thức do Tập đoàn Monitor tổ chức tại tỉnh và tại Singapore.

EDO là đầu mối duy nhất của tỉnh trong vận động thu hút đầu tư, kể cả FDI và các nguồn vốn ODA, NGO, đồng thời tiếp nhận và xử lý các hồ sơ dự án đầu tư từ khâu đăng ký ban đầu, đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư, với quan điểm là “phục vụ và để phục vụ” coi thành công hay thất bại của nhà đầu tư là thành công hay thất bại của chính mình.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kết quả hoạt động của EDO một năm qua đã góp phần thu hút đầu tư, các nguồn tài trợ, tạo bước đột phá về cải cách hành chính, được các nhà đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ vị trí 48/63 của năm 2009 lên vị trí 41/63 tỉnh, thành phố được xếp vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI khá trong năm 2010. Tuy chưa đạt được mức kỳ vọng của tỉnh, nhưng đây là kết quả không nhỏ và là bước tiến quan trọng tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ EDO còn có sự phối hợp có hiệu quả của các sở ngành, địa phương và nhất là sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà tài trợ đối với hoạt động của EDO. Thay mặt UBND tỉnh tôi nhiệt liệt hoan nghênh các kết quả đạt được qua 1 năm hoạt động EDO, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà tài trợ đối với hoạt động của EDO trong thời gian đến.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Với mục tiêu phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Ninh Thuận vào tốp các tỉnh xếp thứ hạng cao của cả nước trong 2012 – 2015, góp phần thu hút các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển của mình, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của EDO, theo hướng xây dựng EDO trở thành Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh, tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các hồ sơ theo quy trình “một cửa liên thông”, từng bước xây dựng EDO theo mô hình “một cửa điện tử hiện đại”, trở thành mô hình tốt nhất có thể, tạo thuận lợi nhất cho các đối tác, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư, tài trợ tại tỉnh.

Để EDO hoạt động hiểu quả, đề nghị các sở, ngành và địa phương phải coi nhiệm vụ của EDO là nhiệm vụ của chính đơn vị mình, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng thời gian quy định các thủ tục theo thẩm quyền của mình.

Đối với cán bộ của EDO, tôi đề nghị tích cực học tập nghiên cứu về mọi mặt để giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới của tỉnh, tập trung sáng tạo trong công việc, phải thực sự chuyên nghiệp và đạt đẳng cấp quốc tế, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, phải thân thiện đồng hành cùng các nhà tài trợ, nhà đầu tư và luôn xem khó khăn của họ là khó khăn của chúng ta, thành công của họ là thành công của chúng ta. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tạo lập được lòng tin của các đối tác phát triển và các nhà đầu tư đối với hoạt động EDO.

Đối với các đối tác phát triển, các nhà đầu tư, tôi đề nghị cần phối hợp chặt chẽ với EDO để triển khai hiệu quả, nhanh chóng công việc của mình, đồng thời luôn quan tâm theo dõi, góp ý cho UBND tỉnh và EDO trong quá trình hoạt động và phát triển nhằm hướng tới ngày một hoàn thiện tổ chức này theo đúng mục tiêu đã đề ra…

(*) Tựa đề của Báo Ninh Thuận