Vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh: Nhiều công trình nước sinh hoạt về với người dân

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, nhiều hệ thống cấp nước tập trung đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 xã của 6 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có 93% số người dân đã được tiếp cận với nguồn nước sạch hợp vệ sinh. Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương về Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2014-2019, tỉnh ta đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng 69 hạng mục công trình cung cấp nước sạch đến tận nhà cho hơn 17 ngàn hộ dân tại các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn đầu tư trên 228 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân ở huyện miền núi Bác Ái được bắt nước sinh hoạt đến tận nhà.

Bác Ái- một trong những huyện được tập trung đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường phát huy hiệu quả thiết thực. Trong những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, đến nay huyện Bác Ái có 6 nhà máy nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gồm: Nhà máy nước Phước Trung, Phước Hòa, Phước Đại, Phước Thành, Phước Tân và nhà máy nước Ma Lâm- Phước Tân. Riêng về các công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện có 3 công trình là công trình nước sinh hoạt tự chảy Gia É, Công trình Hành Rạc 1, công trình Bạc Rây 1 và hiện nay đang mở rộng đường ống từ Gia É đến 2 khu tái định cư Bạc Rây 2 và Hành Rạc 2. Các công trình cấp nước đáp ứng cho trên 90% hộ dân trên địa bàn huyện tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.

Ông Pi Năng Hạ tại thôn Bố Lang, xã Phước Bình (Bác Ái), cho biết: Những năm trước đây khi chưa có các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sinh hoạt tự chảy cung cấp cho bà con thì sinh hoạt ở đây rất khó khăn. Hàng ngày phải tốn nhiều công sức và thời gian để đi lấy nước từ suối cách xa nhà vài cây số để về sinh hoạt. Thêm nữa, do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Từ khi được đầu tư nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến tận nhà thì bà con không phải lội suối vác từng can nước về dùng hoặc dùng nước giếng không hợp vệ sinh. Nước sạch đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống cho bà con. Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh, cho biết: Những năm qua, Trung tâm đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai và giám sát việc xây dựng các công trình cung cấp nước sạch hợp vệ sinh đến tất cả mọi người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua đó, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con

Việc đưa nước sinh hoạt hợp vệ sinh về các xã vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số không những giúp người dân phòng tránh những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân địa phương, qua đó giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống.