Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học tránh để dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan

Đến nay, 2 huyện Thuận Bắc và Bác Ái đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Riêng huyện Ninh Sơn dịch bệnh này vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã tiếp tục phát sinh thêm 3 ổ dịch mới tại 2 xã Lương Sơn và Nhơn Sơn, với tổng số lợn mắc bệnh 41 con.

Tuy đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhưng ông Phan Văn Anh, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) vẫn dùng nước mương để vệ sinh chuồng trại của gia đình. Dẫn đến hậu quả trại lợn 48 con của gia đình ông bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu huỷ toàn bộ, gây ảnh hưởng lớn đến công tác khống chế dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ninh Sơn cho biết: Mặc dù huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Đây là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Ninh Sơn không được ngăn chặn triệt để.

Cán bộ thú ý triển khai tiêu độc khử trùng tại xã Lương Sơn (Ninh Sơn).

Huyện Ninh Sơn hiện có tổng đàn lợn khoảng 30.955 con, trong đó, có khoảng 25 ngàn con được các hộ chăn nuôi theo chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Các trang trại này áp dụng giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, kiểm soát tốt nguồn gốc con giống, thức ăn nên không bị dịch bệnh. Ngoài ra, còn khoảng 5.000 con được người dân nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ với quy mô gia trại không đảm bảo an toàn thú y. Thực tế cho thấy, tổng số 743 con lợn bị tiêu huỷ do nhiễm tả lợn châu Phi ở huyện Ninh Sơn đa phần đều được nuôi ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ này. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: Huyện đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như: Xử lý ổ dịch; hỗ trợ 1.400 lít hoá chất và 1,6 tấn vôi bột cho các địa phương; tiến hành triển khai liên tục 6 đợt tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, do các trại lợn phân bố xen lẫn trong khu dân cư nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan ra toàn huyện là rất cao.

Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư, người nuôi chưa tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học và các khuyến cáo của cơ quan thú y được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan rải rác trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Vì vậy, để ngăn chặn triệt để dịch tả lợn châu Phi người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chính quyền huyện Ninh Sơn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và tiếp tục các biện pháp xử lý môi trường, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch và ngăn chặn việc tái đàn khi còn dịch bệnh.