Phát triển du lịch bền vững từ những việc thiết thực

Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh nhà đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thế nhưng, việc du lịch phát triển nhanh, mạnh đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là những khu du lịch ven biển.

Với mong muốn phát triển du lịch vì chất lượng cuộc sống, du lịch phải gìn giữ được cảnh quan môi trường và mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng, nhiều chương trình, việc thiết thực và ý nghĩa như thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, tham gia dọn rác bãi biển... từ chính cộng đồng kinh doanh du lịch ra đời, không chỉ nâng cao nhận thức, hành động của người dân, mà còn góp phần phát triển du lịch bền vững.

Từ việc làm nhỏ

Từng bao tải đựng vỏ lon, lưới kéo cá cùng các loại chai nhựa khó phân hủy lần lượt được đội lặn đưa lên bờ là hình ảnh không còn xa lạ với người dân và du khách khi đến vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Giữa biển cả trong xanh, từng thành viên trong đội lặn chốc chốc lại trồi lên khỏi mặt nước phấn khởi khi trên tay là rác. Ít ai biết rằng, đội quân lặn rác này là những người kinh doanh du lịch tại địa phương. Nguyễn Hữu Nghĩa (27 tuổi) đã bắt đầu công việc lặn biển nhặt rác được gần một năm nay. Xuất thân là người con làng biển, lại kinh doanh tour lặn biển ngắm san hô ở vịnh Vĩnh Hy. Những chuyến lặn biển đã cho Nghĩa nhận ra san hô và sinh vật biển đang từng ngày bị hủy hoại bởi rác thải nhựa. Đau đáu khôn nguôi, Nghĩa kêu gọi những người bạn chung đam mê lặn biển và cộng đồng kinh doanh du lịch địa phương tổ chức lặn và thu gom rác định kỳ vào những ngày vắng khách.

Nhóm kinh doanh du lịch tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) lặn, vớt rác từ đáy biển và rạn san hô.

Nghĩa cho biết, khác với nhặt rác trên bờ, lặn và vớt rác dưới đáy biển đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng. Trước khi xuống nước, Nghĩa và mọi người chia nhau công việc và vị trí cụ thể phù hợp với khả năng lặn, kỹ năng ếm hơi của từng người. Để đảm bảo an toàn, nhóm phải có người cảnh giới bên trên và thường xuyên quan sát động thái của nhau. Rác vớt lên đa phần là lon bia, chai nước suối, chén nhựa và đặc biệt là lưới, loại rác thải gây nguy hại rất lớn cho san hô.

Đến chương trình hành động thiết thực

Được biết, với nhiều điểm đến và bãi tắm đẹp, hoang sơ, mỗi ngày xã Vĩnh Hải đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá cảnh quan, thiên nhiên. Những đợt cao điểm như lễ, tết, có hàng ngàn lượt khách ghé thăm. Sau mỗi chuyến đi của khách, nhiều rác thải nhựa khó phân hủy bị bỏ lại, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống của các loài động, thực vật nơi đây.

Nhận thức môi trường có vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch vì tác động trực tiếp đến khả năng thu hút khách tham quan, đặc biệt là khách có thu nhập cao, có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch từ hình thức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Nghĩa mạnh dạn kết hợp tổ chức các tour du lịch tham quan vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Vườn Quốc gia Núi Chúa, cao nguyên đá… với việc bảo vệ môi trường như nhặt rác tại điểm đến, đổi túi nylon du khách mang theo sang túi tự phân hủy… Nghĩa cho biết: Trong mỗi tour, mình đều dành ra 5 - 10 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến trước khi rời đi. Với những tour đi biển, lên rừng, mình nói không với túi nylon bằng cách trang bị túi tự phân hủy, trong đó có túi cói để du khách sử dụng và khuyến cáo du khách không nên sử dụng những sản phẩm, chai nhựa, đồ nhựa chỉ dùng một lần. “Những ngày đầu đưa hoạt động nhặt rác vào tour mình rất ngại khi kêu gọi khách dọn rác. Chính vì vậy mà giai đoạn đầu, chủ yếu là các thành viên tham gia hướng dẫn tour tự động dọn rồi dần dà, khách thấy thích nên chủ động cùng làm theo”, Nghĩa bộc bạch thêm.

Giờ đây, khách đến với tour du lịch của Nghĩa không chỉ đơn thuần là để thay đổi không khí, thư giãn mà còn hướng tới những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Bạn Nguyễn Ngọc My, một du khách đến từ Hà Nội vừa trải nghiệm tour lặn ngắm san hô tại vịnh Vĩnh Hy kết hợp với việc dọn rác vào tuần rồi, chia sẻ: Tôi chưa từng đi một tour du lịch nào có kết hợp với việc nhặt rác như vậy. Tour đã giúp tôi hiểu hơn về môi trường biển và tác động của rác thải nhựa đến nó. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường không chỉ của cá nhân tôi mà những bạn khác trong tour cũng được nâng cao. Tôi rất ủng hộ việc Nghĩa hay các công ty du lịch đưa hoạt động này vào lịch trình tham quan và trải nghiệm.

Nói về dự định trong tương lai sẽ phát triển những tour du lịch kết hợp nhặt rác, bạn Nghĩa cho biết: Hiện tôi chỉ mới dừng lại ở việc cùng du khách nhặt rác, nói không với túi nylon, trang bị túi tự phân hủy cho du khách. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức các tour lặn và thu gom rác dưới biển kết hợp việc trồng cây vào tour nếu điểm đến thích hợp và được chính quyền địa phương cho phép.

Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Từ khi các điểm du lịch trên địa bàn xã có đông khách du lịch từ khắp nơi về, ý thức làm du lịch của người dân cũng dần thay đổi. Họ học hỏi cách làm du lịch chuyên nghiệp và nhận thức tốt hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, những người làm du lịch tại địa phương luôn là chủ nhà hiếu khách, thân thiện và cũng không quên nhắc nhở khách không vứt, xả rác tại các điểm tham quan. Ngoài những thay đổi từ nhận thức của người dân, chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp bảo vệ môi trường cụ thể. Ngoài đề án thu gom rác thải của xã, Vĩnh Hải cũng vận động những doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Theo đó, cứ định kỳ hàng tuần, hàng tháng, xã tổ chức ra quân, dọn dẹp thu gom rác thải ở các bãi, vùng vịnh, mép bờ biển. Ngoài ra, xã cũng tuyên truyền với người dân làm du lịch không được xả rác thải xuống biển và không được bẻ phá các rạng san hô… “Hàng trăm người xả mà chỉ có một số người dọn thì sẽ không thể sạch rác được. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi người dân địa phương và du khách, đặc biệt là những người trẻ khi đến với Vĩnh Hy đừng để lại gì ngoài những dấu chân. Có như vậy, chúng ta mới có được một Vĩnh Hy luôn xanh và sạch”, ông Nam bày tỏ.

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Thiết nghĩ, cùng với việc tuyên truyền, ngành Du lịch tỉnh nhà cần tổ chức những chương trình hành động thiết thực như trên để cộng đồng kinh doanh du lịch lẫn du khách hưởng ứng việc bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nói riêng. Đó cũng là cách để quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà ngày càng xanh hơn, đẹp hơn, sạch hơn trong mắt du khách.