Phát huy vai trò của người cao tuổi trong bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống

Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực của người dân địa phương và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ta đã được khôi phục và bước đầu phát huy hiệu quả. Trong sự thành công đó, người cao tuổi (NCT) đóng vai trò quan trọng.

Đến với làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) vào những ngày Lễ hội Katê. Là ngày lễ hội nhưng không khí làm việc vẫn rất hăng say, nhộn nhịp. Một điều dễ nhận thấy là phần lớn lao động tham gia dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp đều là NCT. Ông Hàm Minh Thiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp bày tỏ: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hoàn toàn là nghề thủ công. Thời gian gần đây, các sản phẩm của làng nghề được đổi mới mẫu mã, hoa văn phong phú hơn nên được người tiêu dùng đón nhận. Lượng hàng hóa bán ra nhiều hơn. Tuy nhiên, thu nhập nghề dệt vẫn không bằng những nghề khác. Bởi thế thật khó để thế hệ trẻ gắn bó với nghề dệt và xem đây là nghề chính.

Người cao tuổi làng nghề dệt thổ cẩm miệt mài bên khung dệt mong giữ lại nghề truyền thống cho con cháu. Ảnh: N.Diệp

Ở làng dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp, có 800 lao động tham gia nghề dệt thì có 325 lao động là NCT. Riêng đối với HTX do ông Thiệu điều hành có 113 thành viên thì 90% là NCT; 5/7 thành viên HĐQT tuổi đã trên 60. Điều đáng mừng là mỗi đứa trẻ khi lớn lên trong làng dệt qua quá trình tiếp xúc với công việc thường ngày của các bà, các mẹ, được hướng dẫn, chỉ dạy nên nắm được những thao tác cơ bản. Chỉ cần tình yêu với nghề dệt thổ cẩm được nuôi dưỡng khi có điều kiện các em sẽ là những thế hệ tiếp tục chuyên tâm nối tiếp nghề truyền thống của ông cha. Ông Thiệu cho biết: Hiện nay, trong gia đình tôi ai cũng biết dệt thổ cẩm. Vợ tôi cũng là một trong số những NCT có tay nghề cao được một số tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Đắc Nông mời đến truyền nghề.

Cách làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp không xa, cũng tại thị trấn Phước Dân còn có làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng. So với khoảng thời gian gần 20 năm trước, nhịp sống làng gốm nay đã khác. Từ cổng làng, san sát những hộ làm nghề gốm, bày bán nhiều sản phẩm phong phú. Qua bàn tay nhào nặn khéo léo, gốm Bàu Trúc nay không đơn thuần là những vật dụng trong gia đình mà còn trở thành những món đồ trang trí tinh tế, đặc sắc, có mặt trong nhiều biệt thự nhà vườn, quán cà phê mang phong cách cổ xưa tuyệt đẹp. Quá trình phát triển của gốm Bàu Trúc chất chứa bao mồ hôi, công sức, sự tâm huyết của đồng bào Chăm, nhất là những NCT. Trong đó, phải kể đến những cái tên như: Bà Đàng Thị Phan, năm nay đã 77 tuổi; bà Đàng Thị Hộ, 70 tuổi, … Ngoài phục vụ đời sống, gốm Bàu Trúc còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Chăm. Các thế hệ NCT nơi đây đang là lực lượng chủ chốt, tiên phong trong công cuộc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Họ cũng là những người đóng vai trò “giữ lửa” và “truyền lửa” cho con cháu mình. Trong làng hiện có 500 lao động tham gia vào nghề gốm thì có 217 người là NCT, trong số đó, có 9 người là chủ các cơ sở sản xuất gốm. Bà Đàng Thị Hộ cho biết: Tuổi cao nên nhiều hôm làm xong chân, tay mỏi rã rời nhưng chưa bao giờ bà tính chuyện bỏ nghề. Gốm Bàu Trúc là hồn cốt cha ông truyền lại nên chẳng bỏ được. Mình phải vừa làm, vừa truyền nghề cho con cháu. Bởi vậy, bà Hộ có 7 người con thì 5 người đã thuần thục và sống được với nghề, 2 người còn lại biết làm những vật dụng đơn giản.

Vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu về “Vai trò của người cao tuổi trong việc bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống tại Ninh Thuận”, ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Ngoài dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, nước mắm Cà Nà được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, tỉnh ta còn có tới gần chục nghề truyền thống khác. Đó là nghề đan lát ở Phước Chiến, đan chổi ở Lâm Sơn, chiếu An Thạnh, nghề rèn ở Bác Ái... Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 NCT tham gia vào quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong đó, có 165 người là chủ cơ sở sản xuất, chủ hộ gia đình sản xuất. Họ là những người thợ có tay nghề cao được kế thừa kỹ thuật tinh xảo và giá trị tinh hoa văn hóa của thế hệ trước truyền lại. Các thế hệ NCT hiện nay vẫn đang miệt mài, dồn tâm sức của mình để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống nhằm giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc, tạo việc làm nông thôn. Đặc biệt, ngày nay các làng nghề truyền thống còn là điểm nhấn trong bức tranh du lịch tỉnh nhà.

Để các nghề, làng nghề truyền thống được giữ gìn và phát triển, thời gian tới, Hội NCT các cấp tiếp tục đưa nội dung “Phát huy vai trò người cao tuổi trong việc bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống” vào phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” và gắn với phong trào thi đua “Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi”; thường xuyên gặp gỡ, động viên NCT nỗ lực tìm hướng đi mới cho các nghề truyền thống…