Chung tay phòng tránh xâm hại trẻ em

Trước những diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, trang bị kỹ năng cần thiết giúp các em tự ứng phó, bảo vệ mình trong mọi tình huống.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Là đơn vị chủ quản trong công tác bảo vệ trẻ em, Sở thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin như: Xây dựng các chương trình, phóng sự chuyên đề trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận; lắp đặt các cụm panô, phát tờ rơi… Cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện Luật Trẻ em, công tác phòng chống xâm hại trẻ em cho các bậc cha mẹ và cán bộ cấp cơ sở; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, trường học tổ chức nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như ở Tp. Phan Rang –Tháp Chàm đã chủ động xây dựng kịch bản sân khấu tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và công diễn tại phường Bảo An, Văn Hải. Thành đoàn phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật với hành vi “cố ý gây thương tích” tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi; phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại trại hè… Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở LĐTB&XH xây dựng mạng lưới tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác nguy cơ xâm hại trẻ em ở cơ sở. Thiết lập đường dây nóng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh với số điện thoại nóng 18008079; kết nối với Tổng đài quốc gia 111 thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em liên cấp, liên ngành. Qua 5 năm thực hiện, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho 23 trường hợp. Các cơ sở giáo dục cũng linh hoạt lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng vào các môn học có liên quan và giờ ngoại khóa. Nội dung tư vấn khá đa dạng, xoay quanh các chủ đề: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên; biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, đuối nước... Duy trì có hiệu quả mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại 3 huyện và 17 xã trên địa bàn tỉnh…

Mặc dù đã có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan nhưng nạn xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh có 57 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 44 em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên số vụ được báo cáo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng. Theo phân tích của các ngành chức năng, việc điều tra, khởi tố vụ án cũng gặp khó khăn vì các nạn nhân và gia đình không hợp tác, không khai báo kịp thời hoặc tự giải quyết, thương lượng. Một số vụ việc chỉ đến khi hai bên không tự giải quyết được với nhau mới đưa ra chính quyền can thiệp, dẫn đến việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nạn nhân do thiếu hiểu biết, mặc cảm nên việc tiếp cận với họ cũng là một trở ngại.

Thiết nghĩ, việc phòng ngừa, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ bị xâm hại không chỉ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương mà đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả gia đình và xã hội. Cùng với việc thường xuyên thanh, kiểm tra, loại trừ các văn hóa phẩm “độc hại”, ngành chức năng cần có những chế tài đủ mạnh xử lý, răn đe loại tội phạm xâm hại trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý, trang bị kỹ năng tự bảo vệ, nhận diện, cảnh giác đối với những hành vi bị xâm hại. Sau khi vụ việc xảy ra các bậc phụ huynh nên gần gũi, quan tâm giúp các em ổn định tâm lý, sớm vượt qua tổn thương tinh thần.