Khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó vớí áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Ngày 29-10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chỉ đạo cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố.

Theo Đài khí tượng Thủy văn Ninh Thuận, hồi 13 giờ ngày 29-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông. Dự báo trong 12 giờ tới ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu thành ATNĐ. Do ảnh hưởng thời tiết, từ ngày 30-10 đến 1-11, khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to; vùng núi phía Tây, phía Bắc mưa to đến rất to. Biển động rất mạnh. Từ đêm 30-10, trên các sông suối khu vực tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp. Từ ngày 3 đến ngày 7-11, khả năng tỉnh có mưa to trở lại.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã triển khai nhanh các phương án ứng phó. Đến nay, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 2.558 chiếc/15.619 lao động, trong đó tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 692 chiếc/5.549 lao động đã liên lạc được. Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận 1.866 chiếc/10.070 lao động. Tính đến ngày 29-10, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 103,45 triệu m3, đạt 53,19%.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: X.B

Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ và mưa lũ, để chủ động ứng phó hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 4478/CĐ-UBND gửi các Ban ngành, huyện, thành phố yêu cầu dốc toàn lực ứng phó với ATNĐ, bão và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo ngành, địa phương phát biểu tại cuộc họp về các phương án ứng phó của đơn vị mình; ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh về phương án triển khai ứng phó; phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: ATNĐ, bão đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, các ngành, địa phương cần triển khai ngay biện pháp phòng, chống với mục tiêu: Tránh chủ quan; phòng, chống có hiệu quả giảm thấp thiệt hại, không để xảy ra thiệt hại về người; hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tài sản của nhân dân và nhà nước. Các sở, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Trung ương và tỉnh về ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là không được chủ quan, tập trung cho công tác phòng, ứng phó với tình hình xảy ra. Huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với ATNĐ; bão, phòng tránh lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng nhân dân, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cấm biển bắt đầu từ 19 giờ ngày 29-10. Rút kinh nghiệm thời gian vừa qua, các địa phương cần quyết liệt và chủ động kể cả cưỡng chế triển khai di dời dân ở những vùng xung yếu, ven biển, tàu thuyền, lồng bè trên biển; vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét, chỉ đạo người dân chằng, chống nhà cửa nhất là khu vực ven biển, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời tổ chức lực lượng xung kích tuyên truyền vận động và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển tổ chức chằng chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ.

Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, mưa lũ, kịp thời thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết, chủ động chỉ đạo ứng phó.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi bão, mưa lũ, lụt xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90- 95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó. Tổ chức trực ban 24/24 giờ bắt đầu từ chiều ngày 29-10, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, mưa lũ để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo khẩn trương xuống cơ sở nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho người dân biết để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.