Những biến động đối với tàu cá tỉnh nhà trong giai đoạn mới

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, gần đây với việc triển khai thực hiện các quy định mới trong quản lý tàu cá theo Luật Thủy sản năm 2017, đã tác động đáng kể đến sự thay đổi về năng lực tàu cá của tỉnh nhà. Không chỉ là biến động về đội tàu cá khai thác khơi xa mà còn liên quan đến khuyến nghị của EC (Ủy ban châu Âu) về IUU (hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định).

Từ “quota” đánh bắt khơi xa

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Theo Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá được quản lý theo kích thước (riêng tàu cá khai thác xa bờ quy định phải có vỏ tàu dài trên 15 m) chứ không còn quản lý theo đơn vị CV (mã lực) như trước. Cụ thể toàn tỉnh hiện có 2.463 chiếc có vỏ tàu dài từ 6 m trở lên, trong đó có 1.169 tàu từ 6 m – dưới 12 m; 705 tàu từ 12 m – dưới 15 m; 529 tàu từ 15 m – dưới 20 m; 40 tàu từ 20 m – dưới 24 m và 20 tàu từ 24 m – dưới 30 m. Theo hướng khai thác xa bờ, cơ cấu tàu cá tỉnh ta đã dịch chuyển đáng kể, số lượng tàu có vỏ dài trên 15 m có 589 chiếc, trong đó chiếm 59% làm nghề lưới vây, chiếm 15% làm nghề lưới rê, chiếm 10% làm nghề câu, còn lại thuộc về nghề lưới kéo và các nghề khác.

Các tàu cá vỏ dài trên 15 m neo đậu tại cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã được cấp quota chuẩn bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, do tỉnh ta chỉ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp quota (hạn ngạch) cho phép có 586 chiếc đánh bắt khơi xa nên ngoài số tàu vỏ dài từ 15 m trở lên hiện có, trong thực tiễn còn dôi ra một số tàu vỏ dài dưới 15 m (nhưng công suất trên 90 CV) vốn là tàu đánh bắt xa bờ theo Luật Thủy sản cũ. Chiếu theo Luật Thủy sản năm 2017, các tàu này sẽ không được cấp phép. Tình trạng vướng mắc trên đã được 28 tỉnh, thành phố ven biển (trong đó có tỉnh ta) đồng loạt phản ảnh lên Trung ương. Qua đó Trung ương phản hồi, bổ sung hạn ngạch tàu đánh bắt khơi xa, cho phép cải hoán tàu (vỏ dưới 15 m) công suất lớn nói trên thành tàu vỏ dài trên 15 m. Do thời gian không còn nhiều, Chi cục Thủy sản tỉnh đang khẩn trương tổng hợp danh sách chủ tàu đăng ký cải hoán trước ngày 15-12-2019 để gởi về Trung ương cấp bổ sung hạn ngạch. Bởi vì sau thời điểm này, các chủ tàu dù muốn đăng ký cải hoán cũng sẽ không được cấp phép.

Đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Những biến động về thay đổi năng lực tàu cá nói trên tuy vậy không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, đơn cử tính từ đầu năm đến ngày 5-10, toàn tỉnh vẫn khai thác được 103.513,84 tấn hải sản các loại, đạt 91,40% kế hoạch năm và vượt 6,35% so với cùng kỳ. “Bây giờ điều đáng quan tâm hơn chính là vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tỉnh nhà”- ông Đặng Văn Tín chia sẻ. Theo thông báo từ Bộ NN&PTNT, để đánh giá lại quá trình khắc phục khuyến nghị của EC về IUU, dự kiến trong khoảng thời gian (từ 7 đến 8-11), Đoàn kiểm tra của EC sẽ vào nước ta làm việc với các địa phương ven biển nhưng chưa rõ cụ thể là tỉnh nào. Vì vậy Sở NN&PTNT mà trực tiếp là Chi cục Thủy sản tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị báo cáo về nội dung 9 khuyến nghị, trong đó có nội dung lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên mỗi tàu cá.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm đầu tháng 10, hầu như chưa có tàu cá nào ở tỉnh ta lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Anh Võ Ngọc Minh (khu phố 9, phường Đông Hải, Tp Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá giải thích: “Tàu tôi có vỏ tàu dài trên 22 m hoạt động tận vùng biển xa, nhưng hơn tháng nay không đánh bắt được nên chúng tôi chưa có tiền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”. Ước tính tỉnh ta có khoảng hơn 600 tàu cá đánh khơi (kể cả loại tàu cấp quota) hành nghề lưới vây, rê, câu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trước áp lực thời gian, bắt đầu từ ngày 17-10, Chi cục Thủy sản tỉnh buộc các chủ tàu cá trên, đặc biệt là đối tượng theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg (khai thác hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa), trước khi giải quyết thủ tục hành chính, phải thực hiện lắp đặt thiết bị trên tàu cá của mình. Nhiều ngư dân bắt đầu chuyển dần nhận thức, đơn cử anh Nguyễn Ly, thôn Mỹ Tân 2, xã Thanh Hải, (Ninh Hải) chủ tàu công suất 940 CV (vỏ dài 21 m) hành nghề lưới vây khẳng khái nói: Để hoạt động đánh bắt lâu dài, hướng tới tàu tôi sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đợt kiểm tra lần này là cơ sở để EC dỡ bỏ hoặc tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng”, cho nên việc hoàn thành mọi khuyến nghị về IUU của hoạt động nghề cá tỉnh ta có ý nghĩa quyết định toàn cục. Như vậy có thể thấy từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành, đội tàu cá tỉnh ta đã có nhiều biến động đáng quan tâm. Từ chuyện nới rộng quota số lượng tàu đánh bắt khơi xa đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên mỗi tàu cá, cho thấy nỗ lực lớn của ngành Thủy sản tỉnh nhà trong việc tích cực hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá xa bờ.