Bức tranh kinh tế-xã hội năm 2019 và mục tiêu năm 2020

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu

Thực hiện Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 01, 02 và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm. Theo đó, dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

- Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao

Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Đáng chú ý, trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, có khoảng 53-54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5-12%; thương mại điện tử tăng mạnh. Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%.

Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận đầu tư thiết bị hiện đại để phân loại mặt hàng tôm xuất khẩu. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài ra, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Ước cả năm có khoảng 134.000 doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 9 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỷ đồng; Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN...

- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng

Trong năm 2019, các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73-4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra; công tác y tế dự phòng được chú trọng.

Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Công tác giáo dục, đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được quan tâm thực hiện...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh; trình độ công nghệ còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn những bất cập. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương...

Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và 5 năm 2016-2020

Mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với củng cố quốc phòng, an ninh. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế...

Về mục tiêu cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%...

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Tại phiên khai mạc, trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2019 là một năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề về tăng trưởng kinh tế; sản xuất công nghiệp; sản xuất nông nghiệp; khu vực dịch vụ; hoạt động thương mại; vốn đầu tư; thu, chi ngân sách nhà nước; môi trường kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Về nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2020, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần quan tâm bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành. Triển khai xây dựng, phê duyệt hệ thống quy hoạch giai đoạn tới. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2021-2025 để đánh giá đầy đủ, thực chất về tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Đẩy nhanh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa. Phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Theo TTXVN