Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Nhân dịp UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2019 và nhiệm vụ xây dựng NTM thời gian tới.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh nhà, đặc biệt là sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làm thay đổi diện mạo nông thôn và sự chuyển biến tích cực của kinh tế nông thôn theo hướng cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức khả quan. Trước hết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực xây dựng NTM. Người dân đã phát huy thật sự vai trò chủ thể và chủ động thực hiện các nhiệm vụ, tham gia xây dựng NTM như là một nhu cầu của cuộc sống.

Thứ hai là chúng ta đã đạt được mục các mục tiêu cơ bản của chương trình theo từng giai đoạn, từng năm; cụ thể giai đoạn 2010-2015 có 11 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 23% mục tiêu theo Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM và vượt chỉ tiêu của chương trình (20%). Đến cuối năm 2018, tỉnh ta đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 42,55% và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn lên 53,19% và 1 huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu của chương trình do Thủ tướng Chính phủ giao sớm 1 năm.

Hệ thống đường giao thông xã Xuân Hải (Ninh Hải) được đầu tư nâng cấp,
góp phần nâng cao tiêu chí nông thôn mới ở địa phương. Ảnh: V.M

Thứ ba là chúng ta đã triển khai và thực hiện đồng bộ 11 nội dung của chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; từng bước hiện thực hóa NTM ở các xã. Đặc biệt đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt… góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn theo hướng khang trang, sạch, đẹp. Trong gần 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hơn 400 km đường nông thôn, xây mới 8 cầu và nhiều công trình trên đường; bảo trì, bảo dưỡng gần 500 km đường nông thôn; kiên cố hơn 60 km kênh mương; đầu tư 379 trạm biến áp và 400 km đường điện trung, hạ thế; xây mới và nâng cấp cải tạo 22 chợ nông thôn cùng nhiều công trình phúc lợi khác như trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn, xã … phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về sản xuất, chúng ta chú trọng xây dựng NTM gắn với thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đó đã thực hiện cả chiều rộng và chiều sâu; tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ ở những vùng, lĩnh vực có điều kiện. Tăng cường liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã hình thành như: vùng sản xuất giống thủy sản chất lượng cao An Hải, vùng nuôi tôm trên cát An Hải, các vùng trồng rau an toàn, nho an toàn,…Đã ứng dụng, chuyển giao CNC ở các khâu từ nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác đến chuyển giao nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp (công nghệ nhân giống thủy sản, công nghệ tưới tiết kiệm, san phẳng đồng ruộng bằng laser...). Nhờ vậy, kinh tế nông thôn đã có bước chuyển biến tích cực; hướng đi cho sản xuất nông nghiệp đã từng bước được hình thành khá rõ nét và khai thác được các thế mạnh, lợi thế của địa phương. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011 (11,96 triệu đồng/người/năm) và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,6% năm 2011 (nghèo đơn chiều) xuống còn 11,48% (nghèo đa chiều).

Nông dân Mỹ Sơn (Ninh Sơn) ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cây nho cho nâng suất cao.Ảnh: Văn Miên

* Phóng viên: Thưa đồng chí, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh ta đã gặp không ít khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, sự chênh lệch về tiêu chí đạt được giữa các xã miền núi và đồng bằng. Để khắc phục vấn đề trên, tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian tới tỉnh ta cần triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu nào?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Cũng như các địa phương khác trong cả nước, do có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế- xã hội nên có sự khác biệt, chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền trong tỉnh (về số xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân/xã). Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do các xã có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, phân tán, nhiều nơi bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối nên việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng rất khó khăn, suất đầu tư lớn. Bên cạnh đó trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm xảy ra … ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt là mặt hạn chế về trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cũng như công tác chỉ đạo, điều hành đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng NTM ở những vùng này.

Để khắc phục vấn đề trên, giảm dần khoảng cách, chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong thời gian tới tỉnh ta cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ và nhân dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng NTM; quán triệt tư tưởng “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề lao động nông thôn ở các xã khó khăn (miền núi, bãi ngang ven biển) để nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình.

Ba là, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã khó khăn, trong đó chú trọng đầu tư các công trình cấp thôn nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước tiệm cận, hoàn thành các tiêu chí xã NTM.

Bốn là, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình (thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ; có chính sách hỗ trợ cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn…); khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và vận động nhân dân tiếp tục đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất … xây dựng NTM.

Năm là, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng phát huy được lợi thế của từng địa phương, từng xã; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ chuyển giao, ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất; mở rộng phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, văn hóa; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) truyền thống gắn với các khu du lịch.

Cuối cùng là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận tham mưu, giúp việc theo hướng chuyên nghiệp hóa.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận.