Công tác ứng phó thiên tai trước mùa mưa lũ ở khu vực miền núi

Những tháng cuối năm là thời điểm bước vào mùa mưa, với các địa phương miền núi như Bác Ái, Ninh Sơn do địa bàn rộng, địa hình lại chia cắt, nhiều sông, suối dốc nên mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét với lượng nước đổ về nhanh, nguy cơ sạt lở gây thiệt hại rất cao. Vì vậy, công tác ứng phó với thiên tai trước mùa mưa lũ cần phải chủ động.

Phước Bình là một trong những địa phương có địa hình phức tạp nhất huyện Bác Ái, do diện tích chủ yếu núi cao lại có nhiều sông, suối nên khi mưa lớn kéo dài thường xảy ra tình trạng sạt lỡ, lũ quét, ngập lụt gây chia cắt các khu dân cư. Đặc biệt, dọc tuyến Tỉnh lộ 707 từ xã Phước Hòa đến cụm trung tâm xã Phước Bình chạy dọc nối dài qua các thôn từ Hành Rạc đến Bạc Rây 1, Bạc Rây 2 đều có nương rẫy của bà con phía trên các đồi núi, mùa mưa những khu vực này thường xuyên bị sạt lỡ nên vấn đề đảm bảo an toàn đi lại cho người dân cần được chính quyền quan tâm và thường xuyên có những tuyên truyền cảnh báo kịp thời.

Nhân viên Điện lực Ninh Sơn tham gia khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) trong mùa mưa 2018

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình cho biết: Qua kiểm tra theo dõi hiện trên địa bàn có 3 điểm thường xuyên bị sạt lở núi và 2 điểm có nguy cơ ngập lụt, chia cắt trong mùa mưa lũ. Do đó, chính quyền địa phương luôn chuẩn bị sẵn các phương án theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân khi có sự cố về thiên tai. Hiện nay các điểm nóng có thể xảy ra sự cố về thiên tai trên địa bàn xã đều được cắm biển thông báo để bà con thấy, theo dõi hạn chế đi lại và quan trọng hơn hết là địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác đối phó với mưa bão, có ý thức tự chủ động bảo vệ tính mạng và tải sản của gia đình.

Ninh Sơn cũng là một trong những huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, nhiều sông, suối dốc và có nhiều công trình thủy điện, thủy lợi đã và đang thi công, mức thiệt hại khi xảy ra các sự cố về thiên tai do mưa lũ tại các xã trên địa bàn huyện có thể hứng chịu sẽ rất lớn nếu không chủ động các phương án phòng chống kịp thời và phù hợp. Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước những diễn biến bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gia tăng và phức tạp, trở thành mối đe dọa thường trực đối với sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Ngay từ những tháng đầu năm, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả phù hợp với từng loại hình thiên tai, mà trước hết là ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất…để các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết, chủ động ứng phó nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Qua kiểm tra, hiện nay huyện xác định các khu vực trọng điểm lũ quét, sạt lở đất gồm: khu vực đèo Ngoạn Mục, tràn Gia Chiêu (suối Le), tràn Sakai thuộc các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú xã Lâm Sơn; khu vực tràn xã Hòa Sơn; tràn thôn Tà Nôi, tuyến đường đi lên thôn Gia Hoa xã Ma Nới; đập dâng Tân Mỹ và một số các khu vực gần các hồ thủy điện Sông Pha 1, 2; thượng Sông Ông 1, 2…Và một số khu vực thường xảy ra ngập úng nằm dọc hai bên khu vực sông Dinh thuộc xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn…Trên cơ sở xác định được các khu vực thường chịu ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra, trong công tác phòng chống địa phương luôn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trước mùa mưa bão như: Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đủ số lượng, có năng lực trong điều hành chỉ huy. Chỉ đạo các xã đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thời gian vượt lũ, đồng thời hoàn thành việc khắc phục hậu quả thiên tai các năm trước; thường xuyên kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ để đề xuất các giải pháp gia cố sửa chữa bảo đảm công trình hoạt động tốt trong mọi tình huống. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các Đài Khí tượng Thủy văn để nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin, qua đó cảnh báo cho nhân dân cảnh giác, chủ động đối phó với thiên tai, bão lũ. Với phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập. Khi xảy ra thiên tai phải cứu người trước, cứu tài sản sau. Các ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động ứng cứu kịp thời, không trông chờ ỷ lại, với tinh thần chung là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, hiệu quả.

Có thể nói, các thiệt hại về thiên tai từ mưa bão, lũ gây ra thường rất lớn, do đặc điểm của loại hình này là diễn biến nhanh, xảy ra bất ngờ, dồn dập, nếu chính quyền địa phương và người dân không có sự chuẩn bị chu đáo, có phương án ứng phó kịp thời thì rất khó chống chọi, đặc biệt tại các địa phương miền núi. Do đó, với công tác chuẩn bị chủ động như hiện nay, khi bước vào mùa mưa bão sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai ở các huyện Ninh Sơn và Bác Ái.