Chung tay, không để ai bị bỏ lại phía sau

Hưởng ứng Ngày Vì người nghèo Việt Nam và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”. Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 đã và đang có sức lan toả sâu rộng tới mọi tầng lớp trong xã hội, có ý nghĩa nhân văn và an sinh xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Công tác chăm lo cho người nghèo nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội

Là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện còn 5,23% hộ nghèo, tương đương 1,3 triệu hộ gia đình. Với tỷ lệ hiện nay, tốc độ giảm nghèo trên 1,5% đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao là từ giảm từ 1,3-1,5%. Số hộ cận nghèo còn 1,2 triệu hộ (4,95% tổng số hộ cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn cao. Hiện cả nước còn 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là Điện Biên (gần 38%), Cao Bằng và Hà Giang. Đáng chú ý, trong số 900.000 người khiếm thị và 1,1 triệu người khiếm thính trong cả nước, có khoảng 400.000 người thuộc diện "nghèo kinh niên", rất cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các cấp, các ngành để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Người nghèo nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Ảnh: Văn Nỷ

Thời gian qua, không chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước, công tác chăm lo cho người nghèo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, từ đó huy động được các nguồn lực to lớn, góp phần thiết thực cùng Đảng, Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” mang tính nhân văn sâu sắc đã điểm tô thêm truyền thống tương thân, tương ái, thương yêu con người của dân tộc Việt Nam. Với những nỗ lực của nhân dân, sự tham gia quyết liệt của chính quyền, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng.

Trong năm 2018, Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội cả nước đã nhận được 945 tỷ đồng ủng hộ qua các ban, bộ, ngành trung ương. Còn theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã tiếp nhận 534,6 tỷ đồng thông qua Quỹ Vì người nghèo ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và 1.700 tỷ đồng an sinh xã hội.

Tính riêng chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, theo số liệu thống kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến hết ngày 14-10-2019 đã có 100 đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bộ, ngành đăng ký ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội với số tiền hơn 508 tỷ đồng, trong đó đăng ký về Quỹ trung ương là 37,666 tỷ đồng; đăng ký thực hiện an sinh xã hội 471,22 tỷ đồng. Cụ thể có 46 doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký ủng hộ với số tiền là 374,677 tỷ đồng; có 16 đơn vị khối các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký ủng hộ 21,229 tỷ đồng, 23 đơn vị khối các cơ quan, bộ, ban, ngành trung ương đăng ký ủng hộ 102,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 15 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ 10,378 tỷ đồng cho Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội.

Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" được triển khai qua Cổng 1400 từ năm 2016, đến nay đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trên cả nước, số tiền nhắn tin ủng hộ thu được gần 14 tỷ đồng trong 3 năm qua đã được Quỹ "Vì người nghèo" thực hiện giải ngân theo mục tiêu của chương trình hàng năm. Trong năm 2018, chương trình đã thu được số tiền qua nhắn tin ủng hộ là hơn 6,3 tỷ đồng. Năm 2019, sau gần 2 tháng triển khai, tính đến ngày 15-10-2019 cổng nhân đạo quốc gia (đầu số 1408) đã có trên 123.000 lượt tin nhắn với số tiền ủng hộ gần 4,8 tỷ đồng.

Lan tỏa truyền thống tương thân, tương ái

Qua những hoạt động và kết quả trên, có thể khẳng định cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" và Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc; được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tích cực hưởng ứng thực hiện. Các hoạt động thiện nguyện đã góp phần khơi dậy và lan toả được truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, không chỉ trong tháng cao điểm vì người nghèo, mà cả trong cuộc sống, lao động, làm việc hàng ngày của các tổ chức, cá nhân.

Từ kết quả đó, trong năm qua, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương đã phân bổ trên 15 tỷ đồng tặng quà Tết hộ nghèo; 3,48 tỷ đồng làm nhà Đại đoàn kết ở 13 tỉnh; hỗ trợ học sinh khó khăn, người ốm đau 1,86 tỷ đồng. Nguồn Quỹ "Vì người nghèo" địa phương và chương trình an sinh xã hội đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 18.600 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp đỡ hỗ trợ hơn 105.000 hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ 350.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn được học tập, hỗ trợ 850 công trình cầu đường, lớp học, trạm xá... Theo kế hoạch, thời gian tới khoảng 40 tỷ đồng của Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương sẽ được phân bổ để tập trung xây mới và sửa chữa cho khoảng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết, giúp người nghèo đón Tết, đồng thời, không để hộ gia đình người có công phải ở nhà đơn sơ, nhà tạm và trao học bổng kịp thời cho học sinh, sinh viên nghèo.

Giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà của cả cộng đồng xã hội và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" mang tính nhân văn sâu sắc đã điểm tô thêm truyền thống tương thân, tương ái, thương yêu con người của dân tộc Việt Nam. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp trong xã hội, số tiền ủng hộ thu được là một nguồn lực quan trọng cùng với nguồn lực của Nhà nước để hướng tới mục tiêu cao cả và nhân văn: "Không ai bị bỏ lại phía sau".

Theo TTXVN