Nghiên cứu công nghệ xanh: Cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam

Từ ngày 19 – 21/3, Hội thảo khoa học quốc tế về “Hóa học các vật liệu khung cơ – kim và các vật liệu liên quan” do Bộ Khoa học và công nghệ (KH - CN), Đại học Quốc Gia TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Đại học California, Los Angeles (UCLA) đồng tổ chức.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của GS Omar Yaghi từ UCLA. GS Omar Yaghi là người đã phát minh và tổng hợp các vật liệu vật liệu khung cơ kim (MOF), qua đó mở ra các hướng nghiên cứu mới trong khoa học và công nghệ vật liệu thế giới. Những nghiên cứu trên có tiềm năng ứng dụng phong phú trong các lĩnh vực chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, lưu trữ và tách các khí, xúc tác.

Vật liệu MOF

Vật liệu MOF là vật liệu có độ xốp cao được tạo thành do sự kết hợp của chất hữu cơ gắn kết với kim loại để tạo ra cấu trúc khung không gian ba chiều với những lỗ xốp có kích thước ổn định. Một trong những đặc điểm nổi bật của loại vật liệu này là bề mặt riêng cực lớn, tới hàng ngàn mét vuông cho 1g.

Nói khác đi chỉ 1g vật liệu MOF đã có diện tích bề mặt tương đương cả một sân bóng đá. Do MOF có độ xốp rất cao nên có khả năng lưu giữ các khí mà người ta không muốn xả thẳng ra môi trường như carbonic, hoặc lưu giữ các loại khí làm nhiên liệu cho xe ôtô.

GS Yaghi cho biết, hội thảo này không chỉ tạo cơ hội để các nhà khoa học, sinh viên Việt Nam tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới mà còn là dịp để thông báo với cộng đồng khoa học thế giới về sự ra đời của Trung tâm MANAR Việt Nam – một mô hình hợp tác nghiên cứu mới giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và UCLA.

Hiện GS Omar Yaghi đang hợp tác rất hiệu quả với các trung tâm nghiên cứu tại Bắc Mỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Quatar. Các trung tâm này cùng tạo nên một hệ thống MANAR toàn cầu. Trung tâm MANAR Việt Nam ra đời sẽ là thành viên trong hệ thống MANAR toàn cầu và có cơ hội hợp tác với các trung tâm trong hệ thống này.

Theo Đất Việt