Ngành Công nghiệp: Đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất

Năm 2019, mục tiêu mà ngành Công nghiệp (CN) tỉnh ta đề ra là phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 7.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng từ 18-19% so với năm trước. Bằng tinh thần quyết tâm cao, sau 9 tháng triển khai thực hiện, chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 7,04% so cùng kỳ. Tuy nhiên, so với thực tế ngành CN tỉnh nhà vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được những bứt phá lớn để phát triển như mong muốn.

Theo phân tích của Sở Công Thương, trong 23 sản phẩm CN được giao theo kế hoạch, hiện có 10 sản phẩm tăng trưởng khá so cùng kỳ, 3 sản phẩm đạt xấp xỉ cùng kỳ, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn, tác động làm giảm chỉ số chung của toàn ngành CN. Cụ thể, khai thác muối các loại, sản lượng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 232,3 ngàn tấn, giảm 31,6% so cùng kỳ; nguyên nhân do cuối năm 2018 xảy ra lũ làm sạt lở đồng muối phải tập trung sửa chữa hạ tầng.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận phân loại mặt hàng tôm xuất khẩu. Ảnh: V.Miên

Bên cạnh đó, sản lượg tiêu thụ chậm, muối tồn kho còn nhiều, đến cuối tháng 8 còn tồn 160 ngàn tấn, chiếm 88,6% lượng sản xuất, giá tiêu thụ bình quân 1.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng tôm đông lạnh, mặc dù chiếm tỷ trọng cao (7,74%) trong tổng giá trị toàn ngành, có tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung, tuy nhiên do sản lượng tiêu thụ đạt thấp và nguyên liệu không đáp ứng đủ, nên 9 tháng năm 2019 cũng chỉ sản xuất đạt 4.347,4 tấn, giảm 8,5% so cùng kỳ. Bia đóng lon, sản phẩm có giá trị gia tăng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành CN chế biến, chế tạo và toàn ngành CN, nhưng trong 9 tháng chỉ sản xuất đạt gần 46 triệu lít, giảm 7,14% so cùng kỳ. Đường RS chỉ đạt 9.891 tấn, giảm 54% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác như: May mặc cũng có chỉ số sản xuất giảm 19,75%, chủ yếu do Công ty may Tiến Thuận chuyển đổi sản phẩm, kết cấu mặt hàng may khó hơn, nên sản lượng thấp, nhưng giá gia công cao. Bao bì giấy giảm 10,36% do chưa tiếp cận, mở rộng được thị trường, chỉ sản xuất phục vụ bao bì cho đóng gói thanh long của Bình Thuận (phí vận chuyển cao, ít hiệu quả), sản phẩm không đáp ứng nhu cầu cơ sở nhỏ lẻ, vốn thấp. Phân vi sinh giảm 12,8% do Nhà máy phân vi sinh Nam Thành đã cải tiến chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn chưa mở rộng thị trường ngoài tỉnh, nên tiêu thụ chỉ đạt 30% sản lượng, chủ yếu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trồng măng tây, nho, táo. Gạch nung giảm 8,3% do nhu cầu xây dựng trong dân hạn chế. Đá granite giảm 7,2% do khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Một số dự án mới như: Nhà máy chế biến nước mắm Ca Na cơ bản đã hoàn thành đầu tư, tuy nhiên qua thử nghiệm các hồ chượp bị thấm, hiện nay doanh nghiệp đang khắc phục, dự kiến cuối năm sẽ đưa vào hoạt động muối chượp, sản lượng nước mắm được tính vào năm 2020. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Phước Tiến (Bác Ái), công suất 1.500 tấn/ngày, dự kiến đi vào hoạt động sản xuất thử giai đoạn 1 vào cuối tháng 6-2019, tuy nhiên đến nay dự án chưa lắp đặt máy móc thiết bị và chưa phát triển được vùng nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu hoạt động. Nhà máy chế biến sản phẩm từ măng tây đang triển khai đầu tư xây dựng và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Nhà máy in offset và bao bì giấy dự kiến hoàn thành xây dựng vào cuối tháng 6-2019, nhưng hiện nay đang gặp khó khăn về lắp đặt Trạm biến áp 3 pha, nên chưa đảm bảo tiến độ. Dự án bao bì nhựa Á Đông đang tiếp tục đầu tư, dự kiến hoàn thành đầu tư trong tháng 10-2019.

Năng lượng điện mặt trời được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Văn Nỷ

Đối với sản phẩm điện sản xuất, trong 9 tháng đạt trên 1.805 triệu kWh, tăng 64,3% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm năng lượng (năng lực mới), tính đến cuối tháng 9-2019 có 3 dự án điện gió với sản lượng 115 triệu Kwh và 15 dự án điện mặt trời hoàn thành đi vào hoạt động với tổng sản lượng 650 triệu kWh. Hiện đang có 2 dự án năng lượng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 đó là: Thuận Nam 19A (40 MW) và Sinenegy (40 MW), với tổng công suất 80MW.

Trước những diễn biến bất lợi nêu trên, hiện Sở Công Thương đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực CN chế biến và theo dõi tình hình triển khai các dự án đang đầu tư mới để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 115-NQ/CP của Chính phủ, trọng tâm là xây dựng Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”; xây dựng Trung tâm điện lực Cà Ná và Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná; tham mưu điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác Titan tỉnh Ninh Thuận; Dự án thủy điện tích năng Bác Ái; đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải tỏa công suất 2.000 MW điện mặt trời trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cùng với đó, ngành Công Thương còn tổ chức khảo sát nắm bắt, theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển các dự án CN, dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Bàu Zôn (20MW), Mỹ Sơn 2 (40MW), Thuận Nam Đức Long (40MW), Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn I: 125MW và giai đoạn 2: 75MW), Phước Minh Adani (39,84MW)..., phấn đấu vào đầu năm 2020 các dự án hoàn thành đi vào hoạt đông. Theo dõi hồ sơ đã trình Bộ Công Thương dự án điện mặt trời Trung nam – Thuận Nam và cơ chế chính sách đầu tư hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV đến năm 2020 để giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo... Phấn đấu đến cuối năm 2019 đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 10% so với cùng kỳ.