Nỗ lực vực dậy ngành mía đường

Ngành mía đường đang đối diện với những khó khăn do giá mía xuống thấp, nhiều hộ trồng thua lỗ, nên chuyển sang canh tác mì và một số loại cây khác. Nguy cơ thiếu nguyên liệu mía phục vụ công nghiệp chế biến và thừa nguyên liệu mì đang hiện hữu.

Niên vụ mía 2017-2018, diện tích cây mía toàn tỉnh 3.754 ha, đến niên vụ 2018-2019 giảm xuống còn 2.552 ha, nếu tình hình không được cải thiện vùng nguyên liệu mía dự báo còn bị thu hẹp trong thời gian tới. Để tháo gỡ khó khăn, cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đã tổ chức hội nghị khách hàng, phân tích sâu kỹ những hạn chế và đề ra giải pháp vực dậy ngành mía đường.

Gần đây giá đường kính trên thị trường liên tục giảm sâu từ 16.000 đồng/kg, xuống còn trên dưới 10 ngàn đồng/kg buộc doanh nghiệp phải thương lượng với hộ trồng điều chỉnh giá mía nguyên liệu từ 800 ngàn đồng/tấn xuống 730 ngàn đồng/tấn. Ông Lê Văn Thắng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang cho rằng, khi giá đường kính bị tác động bởi thị trường trong khu vực giảm sâu, giải pháp để sản xuất nguyên liệu mía có lãi là đầu tư tăng năng suất, nhưng thực tế ở niên vụ 2018-2019 năng suất mía chỉ đạt 45 tấn/ha, giảm 10 tấn so với niên vụ trước, nên hộ trồng và doanh nghiệp đều bị thiệt hại “kép”. Tâm lý chung của nông dân khi sản xuất gặp khó khăn không muốn đầu tư tiếp, dẫn đến tỷ lệ mía tơ thấp, mức độ già hóa của cây mía cao cũng là nguyên nhân làm cho năng suất giảm.

Anh Đoàn Văn Nông, điển hình trồng mía giỏi của huyện Ninh Sơn, cho hay: Hộ trồng mía hiện nay đang đối diện với không ít khó khăn do nắng hạn, chi phí đầu tư cao, trong khi đó đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Ở trong hoàn cảnh đó, nông dân cần có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, Công ty đường có nhiều chính sách ưu đãi nông dân trồng mía, nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ vừa phải, nhiều hộ điều kiện kinh tế khó khăn chưa thể trang bị được các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tạo đột phá trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cây mía đã từng giúp nhiều hộ vùng cao thoát nghèo.

Niên vụ 2019-2020, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang dự kiến đầu tư cho nông dân sản xuất 2.510 ha mía; trong đó, 1.000 ha trồng mới. Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty đường, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương vận động nông dân liên kết trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn để tạo thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng. Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng/diện tích đầu tư, áp dụng chính sách mua mía cạnh tranh, bảo hiểm chữ đường và trợ giá đầu vụ, cuối vụ, đảm bảo thu nhập cho người trồng mía. Từng bước ổn định giá công thu hoạch, tổ chức các nhóm công gia đình, thành lập một số nhóm công tại các vùng trọng điểm để khắc phục tình trạng khan hiếm và giá công lao động cao như hiện nay; kiểm soát thu hoạch và vận chuyển 100% mía của nông dân sau thu hoạch. Công ty cũng đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu trọng điểm, chi tiết đến từng xã; xây dựng định mức đầu tư phù hợp theo từng vùng. Cụ thể, hộ trồng 1 ha mía tơ, Công ty cho ứng vốn hơn 25,5 triệu đồng và hỗ trợ 3,8 triệu đồng; đối với mía gốc, hộ trồng được ứng vốn 13,9 triệu đồng và hỗ trợ 1,6 triệu đồng.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ hộ trồng mía, đặc biệt là hỗ trợ cày ngầm không cắt lá bón phân thúc, kỹ thuật xuống giống hàng đôi, thu hoạch, vận chuyển của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang sẽ góp phần tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất mía. Tuy vậy, theo ông Văn Hữu Thận, để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập kinh tế nông nghiệp diễn ra ngày càng sâu sắc, cần có sự vào cuộc đồng bộ của 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học). Trên tinh thần đó, Công ty kiến nghị tỉnh hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa trong thực hiện quy hoạch thiết kế, san ủi, cải tạo đồng ruộng để ứng dụng cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí canh tác. Xây dưng hạ tầng giao thông, kênh mương dẫn nước, đảm bảo đủ nước tưới cho các vùng trồng mía trong mùa khô hạn.

Mía được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh, canh tác được ở những vùng đất khô hạn. Mặc dù gần đây sản xuất mía gặp khó khăn, nhưng không thể phủ nhận vai trò của cây mía đã giúp nhiều gia đình ở các huyện miền núi khá lên. Với nỗ lực của doanh nhiệp, ngành chức năng, các địa phương trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất, tin tưởng ngành mía đường sớm phục hồi, phát triển trở lại.