Ninh Phước: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ - thuật vào sản xuất nông nghiệp

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc có sừng, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã từ bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi dựa vào những giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và các mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho nông dân ngày càng tiếp cận với KHKT trong sản xuất, những năm qua, ngoài việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; huyện thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, bà con nông dân còn thực hiện nhiều mô hình ứng dụng KHKT do các sở, ngành triển khai trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững.

Nông dân thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận thực hiện mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Mạnh

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức 32 lớp tập huấn về chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo, măng tây xanh; quy trình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, cánh đồng lớn; hướng dẫn các hộ dân sản xuất, thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, triển khai nhiều dự án khoa học-công nghệ, xây dựng các mô hình đưa giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích; trông thử nghiệm một số loại giống cây biến đổi ghen có đặc tính nông học ưu việt; ứng dụng công nghệ sinh học, các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng, nông sản sau thu hoạch; ứng dụng quy trình công nghệ mới vào chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại, quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; quy trình công nghệ nuôi tôm, sản xuất tôm giống… Qua đó, giúp nông dân được học hỏi, ứng dụng tiến bộ KHKT, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Điển hình trong sản xuất lúa, như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích 2.000 ha tại các xã, thị trấn, năng suất bình quân đạt trên 6,5 tấn/ha cao hơn ngoài mô hình từ 1-1,5 tấn/ha; mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, quy mô 1.637 ha, cho năng suất đạt 7 tấn/ha; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên cây nho, táo và măng tây xanh, với diện tích 71 tại các xã Phước Thuận, Phước Vinh và An Hải cho năng suất và chất lượng tăng khoảng 15-20%... Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn hán, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện còn triển khai nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng KHKT như: Mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn, với diện tích 462 ha tại các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Thái giảm đáng kể lượng nước tưới, tăng năng suất cây trồng…

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trồng măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Thông qua hoạt động ứng dụng KHKT, đã tạo cơ hội cho các hộ nông dân tiếp cận được kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Văn Tài, thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, học hỏi thêm kiến thức mới trong sản xuất. Nhờ vậy, năm 2017, gia đình tôi đã chuyển 3 sào đất sang thực hiện mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhưng đã giúp gia đình thay đổi được tập quán sản xuất cũ, có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật mới, vì vậy năng suất và chất lượng tăng khoảng 20% so với cách trồng nho truyền thống, nên cho thu nhập cao hơn.

Ông Đàng Năng Tom cho biết thêm: Để nông dân ngày càng tiếp cận với KHKT trong sản xuất, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững. Theo đó, huyện tiếp tục triển khai Nghị quyết số 09/2016-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 12/2017-CTr/HU của Huyện ủy về cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới, tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT cho nông dân. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới…giúp nông dân ứng dụng hiệu quả KHKT, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.