Tự hào nông dân Ninh Thuận

Nói nông dân là “cốt cách” dân tộc cũng đúng. Mỗi chúng ta sinh ra hầu hết có gốc gác từ nông thôn. Vì thế, dù sống ở thành thị, nhưng mỗi khi nhắc đến hai từ “nông thôn” ai cũng có tâm trạng bồi hồi. Hơn 75% dân số nước ta sinh sống bằng nghề nông, đây là lực lượng to lớn góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lật từng trang sử, ở tỉnh ta, Hội đỏ (tiền thân của Hội Nông dân) hình thành rất sớm. Ngày 30-10-1930, (chỉ sau 16 ngày thành lập Hội đỏ) 3 Chi hội Nông hội đỏ ở làng Bảo An (nay là phường Bảo An, Tp.Phan Rang - Tháp Chàm), thôn Vạn Phước (xã Phước Thuận) và thôn Trường Sanh (xã Phước Hậu, Ninh Phước) được thành lập. Ngay sau đó, phong trào Nông hội đỏ lan rộng tới các xã Phước Dinh, Phước Diêm (Thuận Nam), Vĩnh Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải)... Lịch sử Đảng bộ tỉnh, ghi nhận: Giai cấp nông dân là động lực cách mạng chủ yếu trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Ninh Thuận vào ngày 21-8-1945.

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) phát triển mô hình nuôi cừu gắn với du lịch có hiệu quả.

Qua 33 năm (từ 1986 đến nay) thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt được những thành tựu khá toàn diện. Sản xuất nông nghiệp phát triển với tốc độ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; các hình thức sản xuất tiếp tục được đổi mới, chú trọng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tăng cường, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều khởi sắc.

Trên con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của Hội Nông dân tỉnh là rất quan trọng. Hội tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất do Trung ương Hội, tỉnh phát động, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Đặc biệt, Hội chú trọng đề cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hộ thực hiện những mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, coi đó là giải pháp căn cơ giúp nông dân vươn lên, hòa nhập với xu thế phát triển chung.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, bà con đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất tập trung quy mô hàng hóa theo nhu cầu của thị trường. Nhờ sáng tạo trong lao động, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi. Có những nông dân năng động làm giàu từ lợi thế của địa phương như anh Hùng Ky, xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh, anh Võ Văn Sơn, xã Phước Dinh (Thuận Nam) nuôi tôm trên cát, thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) làm giàu từ cây măng tây xanh. Ảnh: Văn Nỷ

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mà điều kiện thời tiết nắng nóng như tỉnh ta không phải dễ, nhưng với nỗ lực vươn lên, kiên trì theo đuổi ước mơ tới cùng, thì thành công mang lại là rất tương xứng. Anh Đạo Thanh Thích ở thôn An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải) đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Trung ương Hội Nông dân bình chọn vào ngày 4-10 vừa qua là một trong những người làm rạng danh nông dân tỉnh ta nhờ biết “đón đầu” hội nhập. Qua tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân, anh Thích thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi cừu gắn với du lịch, lấy du lịch làm thị trường đầu ra cho sản phẩm, và ngược lại lấy sản phẩm chăn nuôi phục vụ du lịch. Chọn du lịch sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng là cách làm hay của các hộ trồng nho ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), các nhà vườn trái cây ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).

Nhìn lại chặng đường phát triển thật đáng tự hào, Hội Nông dân tỉnh đảm nhiệm tốt vai trò cầu nối giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp tỉnh nhà nhờ đó có bước phát triển vượt bậc, nông dân sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản đặc thù, tạo sự khác biệt của vùng miền, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.