Ngành Nông nghiệp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu năm 2019

Thực hiện nhiệm vụ năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện, qua 9 tháng đã đạt được một số kết quả nhất định. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 9.538 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp hơn 3.838 tỷ đồng, tăng 4,25%, lâm nghiệp 68,3 tỷ đồng, tăng 3,7%, thủy sản hơn 5.631 tỷ đồng, tăng 3,38%.

Sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn ảnh hưởng đến trồng trọt, thì lĩnh vực khai thác thủy sản vướng rào cản do Liên minh châu Âu đã “rút thẻ vàng” đối với Việt Nam. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm, tôm giống thấp ảnh hưởng đến sản xuất. Gần về cuối năm, lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi ít nhiều bị thiệt hại. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp nỗ lực duy trì được đà tăng trưởng là đáng biểu dương. Kết quả này cho thấy, công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất gần đây linh hoạt hơn, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt. Diện tích gieo trồng từ đầu năm đến nay tăng nhẹ (tăng 3,5% so với cùng kỳ), nhưng sản lượng một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung. Đơn cử, nho 24.621 tấn, tăng 5,7%; táo 27.682, tăng 29,3% so với cùng kỳ.

Du khách tham quan Trang trại nho Ba Mọi, ở xã Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: V.M

Khi trồng trọt không thể mở rộng thêm diện tích do đã khai thác tối đa quỹ đất nông nghiệp, thì giải pháp chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, thực hiện các mô hình sản xuất mới, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mà ngành Nông nghiệp đang thực hiện đã tạo ra giá trị gia tăng. Tín hiệu đáng mừng của công tác chuyển đổi cây trồng là đang dần đi vào chiều sâu, với việc hình thành ngày càng nhiều các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, có sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, cũng là điểm nổi bật trong điều hành, chỉ đạo phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng được hơn 1.423 ha, đạt gần 95% kế hoạch; trong đó, cây ngắn ngày hơn 991 ha, cây dài ngày hơn 446 ha; chuyển đổi từ đất lúa 937,63 ha, đất khác 500 ha. Phong trào xây dựng cánh đồng lớn lan tỏa rộng khắp, toàn tỉnh triển khai 24 cánh đồng lớn, tổng diện tích hơn 2.913 ha, vượt 1,4% so với kế hoạch; trong đó, có 10 cánh đồng lớn triển khai mới với tổng diện tích hơn 982 ha.

Nếu như trước đây, trong triển khai thưc hiện mô hình cánh đồng lớn chủ yếu áp dụng cho cây lúa, thì hiện nay định hướng chung của ngành Nông nghiệp là khuyến khích nông dân mở rộng sang các loại cây trồng cạn để nâng cao giá trị đơn vi diện tích lên trên 300 triệu đồng/ha/năm. Bên những cánh đồng lớn sản xuất nho ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) quy mô 25 ha, cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh ở xã An Hải, quy mô gần 30 ha tiếp tục được duy trì, thì điểm mới trong sản xuất là hình thành thêm cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh quy mô 8 ha ở xã Phước Hải (Ninh Phước). Việc các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế thực hiện những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra các sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với nho, táo là những mặt hàng nông sản được người tiêu dùng cả nước biết đến, thì gần đây sự “lên ngôi” của cây nha đam, măng tây xanh đã đưa nền nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.

Sản phẩm măng tây xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải) được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Riêng lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay có nhiều điểm mới, Chi cục Thủy sản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định khai thác biển xa theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 5411/BNN-TCTS, ngày 30/07/2019 về việc điều chỉnh cho phép tàu cá có chiều dài dưới 15m nhưng có công suất trên 90 CV được tiến hành cải hoán, cơi nới để khai thác biển xa, Chi cục Thủy sản tiến hành rà soát, thông báo cho các chủ phương tiện đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Những khó khăn về quy định hoạt động khai thác biển xa được tháo gỡ, cùng với thời tiết 9 tháng năm 2019 khá thuận lợi, ngư trường cá nổi trữ lượng lớn xuất hiện tập trung 3 tháng cuối vụ các Bấc và 3 tháng cuối vụ cá Nam, nên khai thác có hiệu quả, sản lượng 102.318 tấn, đạt 90,3% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ. Một yếu tố tích cực không kém phần quan trọng hứa hẹn tạo đột phá trong khai thác thủy sản đó là Chi cục Thủy sản triển khai 6 chuyến khảo sát, thăm dò ngư trường Trường Sa, DK1 và ngư trường giáp ranh giữa các tỉnh phía Nam với Campuchia; đồng, thời hỗ trợ thành lập Nghiệp đoàn đánh bắt cá cơm huyện Thuận Nam. Từ việc đẩy mạnh hỗ cho ngư dân tham gia khai thác biển xa với tổng số tiền hơn 48,8 tỷ đồng, ngành Nông nghiệp tin tưởng thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu sản lượng khai thác thủy sản cả năm 2019.

Nhìn lại hoạt động của ngành Nông nghiệp từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu chủ yếu đang dần “cán đích”, hầu hết đạt trên 90% kế hoạch năm. Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Phát huy thành tích đạt được, 3 tháng cuối năm 2019, ngành tập trung cho công tác tuyên truyền, tạo đột phá, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chuyên đề trọng tâm của ngành ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác xã đảm nhiệm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.