Nguy cơ chia rẽ chính trường Mỹ sau quyết định điều tra luận tội Tổng thống D.Trump

Chính trường Mỹ đang đứng trước nguy cơ chia rẽ khi Hạ viện Mỹ quyết định mở một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump xoay quanh nghi vấn liệu ông chủ Nhà Trắng có lạm dụng quyền lực và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden trong mùa tranh cử 2020 hay không. Với quyết định này của Hạ viện Mỹ, ông Trump sẽ trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội.

Hạ viện Mỹ chính thức tiến hành điều tra luận tội Tổng thống

Ngày 24-9, Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ Mỹ Nancy Pelosi đã xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống, và chỉ thị 6 ủy ban xúc tiến điều tra các hành động của Tổng thống.

Trong tiến trình luận tội, phe Dân chủ cáo buộc ông Trump, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử năm 2020, đã nhờ sự trợ giúp của Ukraine nhằm bôi nhọ cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc đua này. Phe Dân chủ cho rằng ông Trump đã trì hoãn 400 triệu USD viện trợ quân sự và gây áp lực buộc Ukraine mở cuộc điều tra về ông Joe Biden và con trai là Hunter Biden hòng tạo lợi thế trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.

Theo bản ghi chép nội dung dài 5 trang do Bộ Tư pháp cung cấp, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã hối thúc tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden. Theo nội dung được công bố, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị Tổng thống Zelensky hợp tác với luật sư riêng của mình là Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp William Barr, đồng thời bày tỏ hy vọng ông Zelensky có thể tính tới vai trò của cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden trong vụ sa thải một công tố viên Ukraine. Tổng thống Trump đã hai lần nhắc tới ông Biden trong cuộc điện đàm này.

Cùng ngày, ông Biden cũng kêu gọi Tổng thống Trump cần tuân thủ đầy đủ yêu cầu của cuộc điều tra do Quốc hội tiến hành.

Một ngày sau khi Hạ viện Mỹ xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống Trump, ngày 25-9, Nhà Trắng đã công bố bản gỡ băng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Zelenskiy hồi tháng 7 vừa qua, khẳng định ông Trump đã đề nghị ông Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị của mình là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong bối cảnh Nhà Trắng vừa công bố một bản ghi cuộc đàm thoại xác nhận rằng Tổng thống đã yêu cầu Kiev điều tra đối thủ chính trị Joe Biden của đảng Dân chủ, Tổng thống Mỹ Trump ngày 25-9 vẫn tiếp tục khẳng định, ông không gây “bất cứ sức ép nào” đối với Ukraine. Phát biểu trước báo giới bên lề kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông “đã không có bất kỳ sức ép nào” đối với Ukraine, đồng thời lên án điều mà ông gọi là “cuộc săn lùng phù thùy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Tiếp đó, ngày 26-9, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố đơn khiếu nại của người tố giác Tổng thống Trump lên Tổng thanh tra Cộng đồng tình báo Mỹ liên quan tới cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine hồi tháng 7. Theo đơn khiếu nại, người tố giác cho biết đã nhận được thông tin từ nhiều quan chức chính phủ về vấn đề này, đồng thời còn nhấn mạnh các quan chức Nhà Trắng đã can thiệp để “phong tỏa” tất cả các bản ghi chép về cuộc điện đàm, “đặc biệt là bản nguyên văn nội dung cuộc gọi”.

Trước thông tin này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Staphanie Grisham cho rằng đơn khiếu nại nói trên “không hơn gì một sự góp nhặt những lời giải trình từ nhiều nguồn khác nhau về các sự kiện và các mẩu tin báo chí ghép lại với nhau”. Bà Grisham nhấn mạnh Tổng thống Trump đã công bố một bản ghi thô về cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine bởi ông chủ Nhà Trắng “không có gì phải che giấu”. Quan chức này đồng thời khẳng định Nhà Trắng sẽ “tiếp tục ngăn chặn sự kích động và những thông tin sai lệch phát đi từ đảng Dân chủ và trên phương tiện truyền thông lớn”.

Trong khi đó, chỉ vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng chỉ trích đảng Dân chủ và người đã tiết lộ cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine về việc điều tra đối thủ chính trị của đảng Dân chủ Joe Biden trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ. Trả lời báo chí khi về tới Washington sau khi dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 ở New York, Tổng thống Trump chỉ trích cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông mà đảng Dân chủ phát động là “một nỗi hổ thẹn” và cần phải bị ngăn chặn. Ông nhấn mạnh “cần có một biện pháp” nhằm chấm dứt cuộc điều tra nhằm vào các cuộc đối thoại giữa ông và Tổng thống Ukraine Zelenskiy, có thể thông qua tòa án. Ông chủ Nhà Trắng còn cho rằng người tố giác về cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine “gần giống như một gián điệp”. Ông tố cáo người tố giác và những đối tượng cung cấp thông tin cho nhân vật này là những “gián điệp mưu phản”, cảnh báo những người này sẽ chịu sự trừng phạt tương tự như nước Mỹ “đã từng làm trong quá khứ” đối với những gián điệp và tội phản quốc.

Trong bối cảnh phe Dân chủ tại Hạ viện bắt đầu một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Morning Consult thực hiện và được công bố vào ngày 26-9 đã cho thấy 43% số người tham gia khảo sát ủng hộ quá trình luận tội. Trong số các cử tri ủng hộ luận tội, 59% cho rằng hành vi của Tổng thống Trump là phạm tội - tỷ lệ đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ khi Morning Consult bắt đầu đặt câu hỏi tương tự từ tháng 5-2017.

Nguy cơ chia rẽ

Theo Hiến pháp Mỹ, một chiến dịch chính trị được xác định là bất hợp pháp khi chấp nhận “hỗ trợ có giá trị” từ một chính phủ nước ngoài. Trong khi đó, Hạ viện có quyền luận tội một Tổng thống nếu bị coi là “phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu”. Vấn đề trở nên nhạy cảm trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Trump và cựu Phó Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ là hai ứng viên chính đại diện cho đảng Cộng hòa và Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tuy nhiên, quyết định điều tra luận tội Tổng thống Trump của Hạ viện Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng đến những cử tri còn dao động vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã cận kề, từ đó tác động tới các chiến dịch tranh cử của cả các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa.

Theo các nhà phân tích, nếu người cung cấp thông tin đồng ý ra làm chứng và những lời khai đủ sức thuyết phục thì điều đó chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ. Nhưng ngược lại, quyết định điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ cũng tạo ra rủi ro đối với đảng Dân chủ nếu như cử tri tin rằng chính đảng này đang vượt quyền.

Một sự kiện tương tự từng xảy ra với đảng Cộng hòa tại Hạ viện khi để mất nhiều ghế trong kỳ bầu cử năm 1998 chỉ vì theo đuổi quá trình luận tội Tổng thống lúc bấy giờ Bill Clinton với cáo buộc khai man và cản trở pháp luật liên quan tới bê bối tình ái với thực tập viên Nhà Trắng Monica Lewinsky. Chính vụ việc này đã gây “tác dụng ngược” khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Clinton tăng cao và ông tiếp tục tại vị trong khi các ứng viên của đảng Cộng hòa chịu tổn thất nặng nề tại cuộc bầu cử sau đó. Mặc dù, Hạ viện có quyền luận tội một Tổng thống nếu bị coi là “phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu” nhưng trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào từng phải rời nhiệm sở vì bị luận tội. Trước vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton bất thành, năm 1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn tiến trình luận tội Tổng thống Richard Nixon liên quan tới vụ bê bối Watergate nổi tiếng. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện có thể bỏ phiếu về vấn đề này. Lịch sử nước Mỹ còn một trường hợp nữa là Tổng thống Andrew Johnson từng bị Hạ viện luận tội  vào năm 1868 nhưng sau đó Thượng viện không tán thành quyết định này và Tổng thống Johnson tiếp tục tại vị.

Ngoài ra, theo tờ The Hill, Hạ viện Mỹ hiện do phe Dân chủ kiểm soát chỉ có thể bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống Trump sau khi cuộc điều tra của các ủy ban kết luận vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có các hành vi sai trái. Sau khi được thông qua, các cáo buộc chống lại Tổng thống Donald Trump sẽ được trình lên Thượng viện xem xét. Ông Donald Trump chỉ bị phế truất nếu 2/3 thành viên của Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số tán thành việc này. Thế nhưng, đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi với đảng Dân chủ khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm quyền kiểm soát tại Thượng viện và cũng không có nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa tán thành viện luận tội Tổng thống Trump.

Do vậy, giới chuyên gia nhận định tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Trump chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đối đầu mới giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ.

Theo TTXVN