Các trường THPT chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp

Có thể thấy rằng, từ trước đến nay tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp (TN) vẫn thường được đưa ra làm thước đo chất lượng giáo dục của địa phương. Kết quả thi TN cấp THPT cũng là kết quả cuối cùng của quá trình phấn đấu, học tập suốt 12 năm học của học sinh, là cánh cửa mở ra cơ hội cho các em bươc tiếp vào con đường Đại học, Cao đẳng, thực hiện ước mơ của mình.

Chính vì vậy, tuy chưa có công bố chính thức 6 môn thi TN THPT 2011, nhưng hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai việc dạy học và ôn thi cho học sinh lớp 12. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh với đặc thù là 100% học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kỳ thi TN THPT năm 2010 đạt tỷ lệ 54,83 %, thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh 15,7%. Với quyết tâm cải thiện thực trạng này, ngay từ đầu năm học, thầy và trò nhà trường đã cùng lên kế hoạch vừa học vừa ôn tập nắm vững kiến thức, đặc biệt là với 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; giám sát chặt chẽ việc tự học của học sinh ngoài giờ lên lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy Văn, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, tôi đã thống nhất với học sinh về cách dạy và học: vừa học vừa truy bài, học đến đâu nắm vững kiến thức đến đó. Tôi cũng thường đưa ra phân tích, hướng dẫn học sinh giải quyết đề thi TN các năm trước, rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh thông qua các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết…”. Ngoài ra, cô Hạnh còn đưa ra sáng kiến cho học sinh học nhóm, tự truy bài lẫn nhau và tổ chức hình thức kiểm tra nhanh, bất ngờ những kiến thức cơ bản, ngắn gọn để học sinh có ý thức học tập và nắm vững kiến thức.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An trao đổi sau giờ học.

Là một trong những trường THPT đứng đầu tỉnh về chất lượng giáo dục, thầy trò Trường THPT Chu Văn An không chỉ quyết tâm vượt qua kỳ thi TN mà hướng tới đích xa hơn là thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi TN THPT năm nay dành khoảng 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Điều này cho thấy, xu hướng đề thi tốt nghiệp sẽ ngày càng “mở”, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài tốt hơn. Thầy Lương Bá Lân, Giáo viên bộ môn Sử, Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An cho rằng: “Muốn hoàn thành được 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức thì trước hết học sinh cũng phải nắm chuẩn kiến thức, sau đó là rèn luyện kỹ năng. Từ kiến thức cơ bản cùng với kỹ năng thì mới có thể vận dụng,liên hệ thực tế”. Thầy Lân cũng cho biết thêm, ngay từ đầu năm học, các giáo viên bộ môn (đặc biệt là 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) đều đã có những phương pháp giúp học sinh chuẩn bị tốt tâm lý và làm quen với kỳ thi tốt nghiệp. Trong các đề kiểm tra định kỳ, ngoài yêu cầu kiến thức cơ bản còn có phần yêu cầu học sinh vận dụng. Nhà trường cũng tổ chức tập huấn, xây dựng ngân hàng đề các môn học theo cấu trúc và ma trận đề. Ngoài ra, thầy cô cũng rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua các buổi thuyết trình hay bài tập nhận thức về nhà...hạn chế tình trạng dạy học theo hình thức “đọc – chép”, giúp học sinh chủ động, tự tin bước vào kỳ thi TN THPT và cao hơn nữa là ĐH, CĐ.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, hy vọng kỳ thi TN THPT năm nay tỉnh ta sẽ đạt kết quả khả quan; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng,..sẽ cao hơn.