Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

Năm 2019, tỉnh ta được giao kế hoạch vốn từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hơn 671,3 tỷ đồng để thực hiện 20 dự án ở các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu…, đến ngày 11- 9, đã giải ngân được hơn 40,3 tỷ đồng, đạt 6 % kế hoạch. Trước tình hình giải ngân vốn thấp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, trong số 6 đơn vị (Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Xây dựng Năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bệnh viện tỉnh) sử dụng vốn ODA, thì chỉ có 2 đơn vị giải ngân được một phần, số còn lại chưa giải ngân được. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được cấp hơn 44,4 tỷ đồng để thực hiện Dự án Hỗ trợ bệnh viện tỉnh, vùng (thiết bị bệnh viện tỉnh Ninh Thuận) đã giải ngân được 53%; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp 65,4 tỷ đồng để thưc hiện 5 dự án, đến nay chỉ có Dự án Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh bão Ninh Chữ giải ngân được hơn 16,9/34 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 50%...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: V.M

Dựa vào số liệu tổng hợp của Kho bạc nhà nước tỉnh cho thấy, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Những chương trình, dự án về phát triển thủy sản, phục vụ khám, chữa bệnh được giải ngân nhanh hơn so với các lĩnh vực khác như giáo dục, môi trường, thủy lợi. Theo đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, thủ tục đầu tư phải thông qua nhiều bước, thời gian kéo dài. Thêm nữa, tỉnh ta gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng để bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Những hạn chế dẫn đến mức giải ngân thấp gây ảnh hưởng tiêu cực làm chậm tiến độ các dự án so với kế hoạch đặt ra, tăng thời gian phải trả lãi suất Ngân hàng Thế giới, giảm hiệu quả đầu tư dự án. Có những dự án mang tính cấp bách mặc dù đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai được do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng như Dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm” do Ban Quản lý dự án Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh làm chủ đầu tư.

Xuất phát từ tình hình trên, để thúc đẩy khối lượng giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong các tháng cuối năm 2019 nhằm đạt kế hoạch đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát việc triển khai thực hiện các dư án, giải quyết những vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019 sớm có báo cáo, đề xuất với Trung ương được đưa phần vốn chưa sử dụng vào kế hoạch năm 2020 nhằm đảm bảo triển khai liên tục để hoàn thành dứt điểm các dự án. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương việc giao kế hoạch vốn nên thực hiện ngay từ đầu năm, phù hợp với tình hình thực tế, khả năng thực hiện dự án của địa phương. Trong điều kiện thu ngân sách của tỉnh ta còn hạn chế, đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ nguồn vốn đối ứng để kịp thời triển khai dự án.