Thị trường thịt heo chịu tác động từ bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngày 28-8, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh tại hộ chăn nuôi Đỗ Tấn Đức, khu phố 1, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Đến nay, bệnh DTLCP đang có dấu hiệu lan rộng và gây tác động đối với thị trường thịt lợn (heo) trên toàn tỉnh.

Nằm trong vùng tâm dịch, hơn 10 ngày qua, các tiểu thương bán thịt heo tại chợ Tân Sơn cảm nhận rõ từng ngày về sức ảnh hưởng của DTLCP tới việc buôn bán. Vắng vẻ, ế ẩm là không khí chung của các sạp bán thịt heo nơi đây. Bà Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương bán thịt heo chợ Tân Sơn cho biết: Trước đây, mỗi ngày bà bán hết 2 con heo chỉ trong buổi sáng. Thế nhưng, từ khi bệnh DTLCP xuất hiện, lượng khách hàng giảm dần. Hiện nay, mỗi ngày, nhập về khoảng gần 80 kg thịt, xương các loại nhưng bán rất chậm. Cũng như các tiểu thương khác, lượng thịt nhập về của bà Tuyết ngày sau luôn thấp hơn ngày trước.

Các sạp hàng bán thịt heo tại chợ Tân Sơn ế ẩm do người tiêu dùng e ngại dịch tả lợn châu Phi.

Theo nhiều tiểu thương, đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng “quay lưng” với thịt heo khá cao. Không có người mua, tất cả các hộ kinh doanh thịt heo tại chợ đã giảm dần lượng thịt nhập vào. Thậm chí có một số tiểu thương như chị Bùi Thị Mười đã giảm lượng thịt nhập từ gần 50 kg mỗi ngày tại thời điểm chưa có bệnh DTLCP xuống còn 8 đến 9 kg mỗi ngày ở thời điểm hiện tại. Vậy nhưng vẫn có hôm chị không thể bán hết số thịt nhập về và đành phải mang về nhà để dùng ăn dần. Sáng ngày 12- 9, khi chúng tôi có mặt tại chợ Tân Sơn, chị Mười cho biết: Mở bán từ lúc 6 giờ sáng, đã gần 3 giờ đồng hồ trôi qua, chị mới chỉ thu về đúng 90 ngàn đồng. Mặc dù thịt heo chị nhập bán đã được cơ quan thú ý đóng dấu kiểm dịch đầy đủ nhưng tâm lý người tiêu dùng hiện nay rất đề phòng. Số bạn hàng quen thuộc tại các quán ăn của chị Mười cũng giảm 50% đơn hàng. Để kích thích người mua, chị Mười cũng như các tiểu thương đã đồng loạt hạ giá bán từ 5 đến 10 ngàn đồng/kg nhưng vẫn không mấy ai mặn mà. Sức mua giảm mạnh, doanh số bán ra thấp, lại phải chịu lỗ từ lượng thịt tồn lại hằng ngày nên nhiều tiểu thương đang phải chịu lỗ. Cũng vì lẽ đó, hiện nay tại chợ Tân Sơn có 5/18 hộ kinh doanh thịt heo đã nghỉ bán tạm thời.

Không đến nỗi quá ế ẩm như ngay vùng tâm dịch Tân Sơn nhưng từ khi bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tình hình buôn bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn tỉnh cũng trở nên khó khăn hơn. Tại chợ Thanh Sơn (Chợ Động), Tp. Phan Rang-Tháp Chàm theo quan sát, người mua thịt heo rất ít. Hơn 20 sạp bán thịt heo trong chợ gần như ngồi không. Lâu lâu mới có một vài người đến mua. Bà Đặng Thị Tú, tiểu thương bán thịt heo cho biết: Thường ngày khoảng thời gian từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút sáng, các tiểu thương bán không kịp nhưng từ khi bệnh DTLCP xuất hiện họ lại khá nhàn nhã. Lượng thịt bà Tú bán ra tại thời điểm hiện tại đã giảm 50% so với khi chưa có dịch.

Tại chợ Lương Cách, xã Hộ Hải (Ninh Hải) tình trạng ế ẩm ở các quầy bán thịt heo cũng xảy ra tương tự. Mặc dù thông tin bệnh DTLCP không lây lan sang người, không gây đe dọa sức khỏe con người đã được các cơ quan chức năng phát đi nhưng ở thời điểm này, với tâm lý đề phòng, nhiều gia đình đã không còn dùng thịt heo trong bữa ăn hằng ngày.

Tình trạng thịt heo vắng người mua không chỉ xảy tại các chợ, sạp hàng nhỏ, lẻ mà ngay cả các cửa hàng doanh thịt heo thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, là những điểm kinh doanh tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng suốt thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Chị Lê Thị Thanh Toàn, chủ cửa hàng thịt heo CP Toàn Phát tại số nhà 293, đường Thống Nhất, phường Thanh Sơn, cho biết: Mặc dù thịt của cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng từ hệ thống trang trại heo của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Mọi quy trình từ chăn nuôi, vận chuyển đến giết mổ đều được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng nên trước đây được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng. Nhưng từ khi trên địa bàn tỉnh có bệnh DTLCP, tình hình kinh doanh của cửa hàng ngày một giảm sút. Doanh số bán ra tập trung vào đơn hàng sỉ của các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng bán bánh mì nhưng cũng giảm 40% so với trước đây. Lượng thịt bán ra mỗi ngày của cửa hàng chỉ còn bằng 50% so với thời điểm chưa có dịch.

Trước tác động của bệnh DTLCP đối với thị trường thịt heo, hiện nay, ngoài các biện pháp phòng trừ, khống chế các ổ dịch, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang phối hợp, tích cực kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt tại các cơ sở giết mổ cũng như tại các sạp, cửa hàng bán thịt heo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về bệnh DTLCP để mọi người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ về bệnh DTLCP và hoàn toàn yên tâm sử dụng.