Nhìn lại 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Ninh Phước

Theo UBND huyện Ninh Phước, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nền nông nghiệp địa phương phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng canh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế.

Song song đó, nhờ huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giảm nghèo đạt kết quả quan trọng.

Đến Ninh Phước vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi nhận ra sự khẩn trương của các ngành, các cấp trong việc thực hiện Chương trình hành động số 476/CTrHĐ-UBND ngày 10-3-2016 thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI, về xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020. Theo tinh thần Nghị quyết trên, trong những năm gần đây, Ninh Phước đang có những bứt phá quan trọng, mà điểm nhấn là tập trung hoàn thành các tiêu chí cho các xã sắp đạt chuẩn và duy trì các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn NTM.

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) trồng giống nho rượu NH02-90 (Syrah) . Ảnh: P.Bình

Qua đánh giá, đến nay Ninh Phước có 6/8 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM; toàn huyện đạt trung bình 18,25 tiêu chí/xã, so với năm 2011, đã tăng 13,15 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tạo diện mạo mới cho nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi, y tế, trường học, điện nông thôn…. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, đã kiên cố hóa (bê tông) 100% đường giao thông trục xã, 75,8% đường trục thôn, 77,7% đường ngõ xóm, 86,1% đường nội đồng. Về thủy lợi, 100% kênh cấp 1, 80% kênh cấp 2 và trên 85% hệ thống kênh cấp III đã được nâng cấp, kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ tưới tiêu.

Hưởng ứng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM một cách thiết thực, hiệu quả. Đơn cử phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...Trong giai đoạn 2010-2020, toàn huyện đã huy động được hơn 100 tỷ đồng, trong đó người dân hiến 137.948 m2 đất, trên 1.000 ngày công lao động; đóng góp hơn 1.607 bóng đèn thắp sáng các tuyến đường liên xã, ở thôn, ngõ xóm. Nhiều địa phương đã phát huy tốt nội lực của dân trong việc hiến đất mở rộng đường giao thông, kênh thủy lợi như các xã Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu;... Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn huyện và con em xa quê, thể hiện trong xây dựng hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh các công trình hạ tầng, Ninh Phước quan tâm triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng. Đặc biệt là qua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, Ninh Phước đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đơn cử tại xã Phước Hậu, từ 10 ha năm 2011, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đã nhân rộng lên trên 2.000 ha/vụ tại các xã trong huyện. Cũng nơi đây trong vụ hè-thu năm 2017, từ 56 ha lúa/cánh đồng thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đến vụ hè-thu năm nay đã nhân rộng được 12 cánh đồng lớn với quy mô 1.637 ha (trong đó có 1.533 ha lúa, 80 ha bắp, 24 ha măng tây xanh).

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) thu hoạch măng tây xanh đạt năng suất cao
góp phần nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Ảnh: Văn Nỷ

Nhiều xã duy trì và mở rộng hình thức liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình như mô hình sản xuất lúa giống trên 400 ha, sản xuất bắp nhân giống 680 ha. Về chăn nuôi, đã hình thành các mô hình chăn nuôi có hiệu quả như: Trồng táo kết hợp nuôi dê, cừu vỗ béo ở các xã; trang trại nuôi heo tập trung từ 600-2.000 con/trại liên kết với công ty CP; nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con…

Theo đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, qua phong trào thi đua Chung sức xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Hằng năm, toàn huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,88%, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn dưới 4,75% và thu nhập bình quân đầu người đạt 35,9 triệu đồng/người/năm (tăng 3,6 lần so với năm 2011). Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm nay Ninh Phước tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm nay công nhận thêm 2 xã Phước Hải và An Hải đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 8/8 xã đạt chuẩn NTM; huyện đạt chuẩn huyện NTM. Phấn đấu đến năm 2020, các xã Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Thái đạt chuẩn xã NTM nâng cao.