Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng

Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại khu phố 1, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) vào ngày 28-8, đến thời điểm này dịch đã phát sinh thêm tại 8 hộ nuôi, thuộc 4 xã, thị trấn của 2 huyện Ninh Sơn và Thuận Bắc, với số lợn chết buộc tiêu hủy 183 con, trọng lượng 18.613 kg. Công tác phòng DTLCP đang đòi hỏi sự quyết liệt và nghiêm túc để ngăn chặn khả năng lây lan trên diện rộng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại khu phố 1, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), DTLCP đã phát sinh thêm tại thôn Nha Hố 1, xã Nhơn Sơn và thôn Trà Giang 4, xã Lương Sơn. Tổng số lợn bị tiêu hủy của huyện Ninh Sơn 143 con với trọng lượng 16.572 kg của 6 hộ chăn nuôi. Đáng lo ngại hơn, ngày 6-9, tại hộ ông Hoàng Minh Lê, ở thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) có 26 con lợn thịt bị bệnh. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với vi-rút DTLCP, lực lượng chức năng đã cùng gia đình tiêu hủy toàn bộ số lợn dịch 26 con, trọng lượng 442 kg. Như vậy DTLCP đã thực sự lây lan ra các địa phương, gây thiệt hại đối với người nuôi.

Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm dịch trên đàn lợn có dấu hiệu bệnh.

Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, bệnh DTLCP đang có chiều hướng lây lan qua các địa bàn khác, vì hiện nay tại tỉnh ta đã có sự lưu hành của mầm bệnh, cộng với thời tiết bất lợi do mưa ẩm làm giảm sức đề kháng của gia súc. Hiện nay, tại các địa bàn vùng dịch Tân Sơn (Ninh Sơn) và Bắc Sơn (Thuận Bắc) có đàn lợn trên 36.000 con, cùng 12 điểm, cơ sở giết mổ được cấp phép. Trong khi đó, mỗi ngày trên 50 xe vận chuyển khoảng 8.000 con lợn qua tuyến QL1A thuộc địa bàn tỉnh ta. Cho thấy nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao, nếu không quyết liệt thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp bổ sung cho huyện Ninh Sơn 2.000 kg vôi bột và 50 bộ quần áo sử dụng một lần để phòng dịch. Các địa phương tiếp tục thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng (đợt 5) theo kế hoạch của UBND tỉnh. Coi đây là giải pháp quan trọng, cấp bách và ưu tiên hàng đầu để phòng chống dịch bệnh.

Đối với các xã vùng dịch uy hiếp, thực hiện việc vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục hàng ngày, trong vòng một tuần đầu tiên và 3 lần/tuần, trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với vùng dịch mới phát sinh, lực lượng chức năng cử cán bộ theo dõi giám sát diễn biến dịch, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đào hố tiêu hủy lợn bệnh và thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn và phun tiêu độc khử trùng phương tiện. Bố trí cán bộ Thú y làm công tác kiểm soát giết mổ, tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ; tiếp tục triển khai việc giám sát, kiểm dịch phúc kiểm lợn quá cảnh qua địa bàn tỉnh tại Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc và các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 27 thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn, quốc lộ 1A (địa bàn huyện Thuận Nam) và trên tuyến quốc lộ 27B, thuộc xã Phước Thành (Bác Ái) để đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố, nhất là các địa phương có dịch theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ và cập nhật diễn biến hàng ngày tình hình bệnh DTLCP để báo cáo cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.