Thuận Bắc: Triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được huyện Thuận Bắc thực hiện quyết liệt. Mặc dù có nhiều giải pháp ngăn chặn, tuy nhiên, đến nay dịch đã xảy ra tại địa phương. Để tránh lây lan trên diện rộng, huyện Thuận Bắc tập trung triển khai đồng loạt các biện pháp, với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Thông tin từ Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện, hiện nay ổ dịch đã xuất hiện tại hộ ông Hoàng Minh Lễ, thôn Láng Me (xã Bắc Sơn) với tổng đàn 26 con. Trước đó, sau khi lợn có dấu hiệu bị bệnh và chết bất thường, Trạm Thú y và Chăn nuôi báo cáo với Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh tổ chức lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm và cho kết quả dương tính với DTLCP. Theo ông Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, qua kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP tại xã Bắc Sơn, trưa ngày 9-9, huyện đã tổ chức công bố quyết định DTLCP trên địa bàn. Để tránh dịch lây lan trên diện rộng, địa phương chỉ đạo cho lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không nên hoang mang trước thông tin của dịch bệnh và cần thực hiện ngay các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Nhân viên thú y huyện Thuận Bắc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Song song đó, chỉ đạo xã Bắc Sơn thành lập các chốt tạm thời để bao vây, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vùng dịch; thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục với tần suất 1 lần/ngày, giám sát chặt chẽ tình trạng lợn bị bệnh để cách lý, theo dõi. Qua thống kê, toàn huyện hiện có trên 13.200 con lợn, với 3 trang trại và 2.782 hộ nuôi, để bảo vệ đàn heo trước diễn biến phức tạp của DTLCP, công tác tiêu độc, khử trùng được huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng. Theo đó, sau khi tiếp nhận 2.400 lít hóa chất, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kịp thời phân bổ về các địa phương thực hiện 4 đợt phun hóa chất ở xung quanh chuồng nuôi, tại các chợ mua bán, khu dân cư. Đối với xã Bắc Sơn thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục với tần suất 1 lần/ngày; các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp như Lợi Hải, Bắc Phong thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên và 3 lần/tuần tiếp theo; bên cạnh đó, tổ chức cho các hộ nuôi ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm trong chế biến, giết mổ gia súc... Nhìn chung, các hộ nuôi trên địa bàn đều có ý thức trong việc chăm sóc cũng như thực hiện phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Chị Phạm Thị Kim Phượng, ở thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, cho biết: Nhờ tuân thủ theo đúng khuyến cáo của cán bộ thú y xã, hiện 60 con lợn vẫn phát triển bình thường. Ngoài vệ sinh chuồng trại, gia đình còn sử dụng các loại thuốc để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Công tác kiểm dịch đối với phương tiện vận chuyển động vật lưu thông qua địa bàn cũng đang được thực hiện quyết liệt. Theo báo cáo của Trạm kiểm dịch động vật Thuận Bắc, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe chở động vật lưu thông qua trạm, để hạn chế nguy cơ dịch xâm nhiễm vào tỉnh, các lực lượng chức năng tại đây đã túc trực 24/24 giờ kiểm tra xe vận chuyển gia súc và các sản phẩm đông lạnh từ động vật, đặc biệt là sản phẩm từ lợn; tiến hành kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, tình trạng sức khỏe của động vật. Hiện nay, huyện cũng đã lên phương án, quy trình xử lý DTLCP như: Tiến hành thành lập 16 chốt tại 6 xã trên địa bàn để kiểm soát tình trạng mua bán, vận chuyển lợn bệnh; trích kinh phí mua vôi bột, vật tư chống dịch; bố trí 9 địa điểm tiêu hủy và dự toán chi phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Ông Đàng Đức Tuyên, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thuận Bắc, cho biết: Do tính chất nguy hiểm của virus DTLCP, hiện chưa có vacxin phòng bệnh, khả năng lây lan rất nhanh, khó kiểm soát. Đặc biệt, hiện nay dịch đã xuất hiện và đang bước vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Nhằm ứng phó hiệu quả trong thời gian tới, Trạm đôn đốc cán bộ thú y các xã hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, trong đó tổ chức tiêu độc, khử trùng phải được ưu tiên hàng đầu và thực hiện thường xuyên; theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm nếu nghi ngờ lợn có dấu hiệu mắc bệnh. Mặt khác, vận động tổ chức, cá nhân khi phát hiện lợn chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương, không giấu dịch, vứt xác bừa bãi, tránh lây mầm bệnh ra môi trường.