Kinh nghiệm bước đầu qua hoạt động của Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã Phước Nam

Đảng bộ xã Phước Nam (Thuận Nam) hiện có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó có 7 chi bộ thôn, 5 chi bộ trường học và 1 chi bộ Quân sự với 135 đảng viên. Do tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ luôn tập trung cho công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), từ tháng 8-2018, Đảng ủy xã ban hành Quyết định thành lập bộ phận Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã Phước Nam.

Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã Phước Nam có 4 cán bộ (CB), công chức (2 công chức, 2 CB hoạt động không chuyên trách), với chức năng là bộ phận tham mưu, tổng hợp, giúp việc chung cho Đảng ủy, HĐND và UBND xã, trực tiếp và thường xuyên là Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND xã. So với trước khi thành lập, Văn phòng trên đã giảm 1 công chức. Đội ngũ CB, công chức của Văn phòng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng, cụ thể 100% có trình độ học vấn 12/12, 100% có trình độ chuyên môn đại học; về lý luận chính trị, 50% có trình độ trung cấp và 50% có trình độ sơ cấp. Từ khi đi vào hoạt động, cùng với chủ động xây dựng Chương trình công tác năm, tháng, tuần của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã còn chủ động tham mưu giúp lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động của các chi bộ trực thuộc Đảng ủy, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể và các bộ phận chuyên môn của xã.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam, việc hợp nhất Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng UBND xã thành 1 đơn vị Văn phòng trên đã đem lại những tác động tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành hệ thống chính trị xã. Trước hết là việc nắm bắt thông tin tình hình hoạt động trên địa bàn xã kịp thời hơn, số liệu tổng hợp báo cáo chính xác hơn, kế đó là giúp lãnh đạo xã kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TU, ngày 3-9-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với CB, đảng viên, công chức, viên chức. Thông qua kiểm tra của Văn phòng, tình trạng quên đeo thẻ chức danh, không tham gia chào cờ, đi trễ về sớm…của CB, công chức xã đã chấm dứt. Nếu trước đây việc tổ chức họp của Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể xã thường chồng chéo, bố trí hội trường khó khăn, bây giờ qua Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã sắp xếp, việc tổ chức họp theo lịch thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Văn phòng còn tham mưu chuẩn bị tốt nội dung các cuộc họp của Đảng ủy, HĐND, UBND xã.

Sau một năm hoạt động, kết quả Văn phòng đã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phước Nam ban hành 791 văn bản các loại, trong đó bộ phận Văn phòng tham mưu bên lĩnh vực Đảng 164 văn bản, lĩnh vực chính quyền trên 230 văn bản và các bộ phận chuyên môn tham mưu 397 văn bản. Về thực hiện cải cách hành chính, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND huyện, bộ phận Văn phòng đã tham mưu cho UBND xã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, trong đó có tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch về rà soát thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó bộ phận Văn phòng đã phối hợp với CB, công chức xã chủ động rà soát, cập nhật, thống kê các TTHC mới ban hành, TTHC sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế, bãi bỏ trong bộ TTHC cấp xã, niêm yết công khai tại UBND xã. Tổng cộng đã rà soát 112 thủ tục thuộc 12 lĩnh vực đã được niêm yết. Ngoài ra bộ phận Văn phòng luôn quản lý tốt hoạt động của tổ tiếp nhận và giao trả theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” thực hiện trên các lĩnh vực, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc giải quyết các TTHC, giảm bớt phiền hà cho nhân dân khi đến liên hệ công việc.

Từ kinh nghiệm hoạt động bước đầu, để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Văn Thái, cần có chế độ chính sách khuyến khích CB, công chức, nhất là đối với 2 CB không chuyên trách xã đang đảm nhiệm Văn phòng Cấp ủy và chính quyền. Về phía Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền xã, cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp, chủ động trong việc xây dựng các chương trình công tác trọng tâm, kế hoạch chuyên đề; thường xuyên theo dõi hoạt động của Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, các bộ phận chuyên môn của xã, các chi bộ trực thuộc, Ban quản lý các thôn. Đặc biệt là tiếp tục ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương.