Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

Trong những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rất khả quan, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương.

Tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Vùng sản xuất nho, hành, tỏi, măng tây xanh ở huyện Ninh Hải; sản xuất nho, táo ở huyện Ninh Phước và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; chăn nuôi dê, cừu ở các huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc; trồng rau màu ở huyện Ninh Phước; trái cây đặc sản Lâm Sơn ở huyện Ninh Sơn…có tiềm năng rất lớn để phát triển DLNN. Hiện một số nhà vườn, chủ trang trại đã kết hợp giữa việc sản xuất và cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm ngay tại vườn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nổi tiếng nhất phải kể đến vườn nho Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước) mỗi năm đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Khách đến đây sẽ được tìm hiểu về lịch sử cây nho, kỹ thuật trồng, thu hái, đặc biệt là thưởng thức nho tươi và các sản phẩm chế biến từ nho như mứt nho, rượu vang nho… Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ cơ sở cho biết: nhiều du khách rất thích khi được trải nghiệm thực tế tại vườn nho bởi vì họ chưa bao giờ được nhìn tận mắt thấy cây nho, cách trồng nho, trong khi đó tỉnh ta là địa phương đã nổi tiếng với loại cây trồng này. Du khách đến đây thường chụp hình dưới dàn nho và mua về để làm quà tặng cho người thân, bạn bè.

Du khách tham quan vườn nho Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Không riêng gì vườn nho Ba Mọi, trong những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng từ việc sản xuất kết hợp phát triển DL, nhiều hộ trồng nho tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã mở cửa vườn, chào đón khách DL đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Khách DL khi vào vườn sẽ được tận tay chọn lựa và cắt những chùm nho ưng ý với giá cả phải chăng. Ngoài ra, khách còn được chụp hình dưới vườn nho, thưởng thức những trái nho tươi, siro nho ngay tại vườn. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp-nông nghiệp Thái An cho biết: Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến Tỉnh lộ 702, được ví là cung đường du lịch, mỗi năm, làng nho Thái An đón hàng ngàn lượt khách ghé thăm, mua sắm. Nhờ đó, nhiều hộ trồng nho đã có thu nhập rất khá từ mô hình sản xuất kết hợp cho du khách tham quan.

Ngược lên huyện Ninh Sơn, nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, từ nhiều năm nay, vườn trái cây Lâm Sơn đã trở thành địa điểm ưa thích, thu hút đông đảo khách DL mỗi dịp vào mùa thu hoạch. Với khí hậu mát mẻ, những vườn trái cây sum xuê, trĩu quả là một trải nghiệm đáng nhớ đối với mỗi du khách có dịp ghé thăm. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không khí làng quê thanh bình, thỏa sức ngắm nhìn và thưởng thức những trái cây như măng cụt, bưởi da xanh, bơ, mít, sầu riêng. Đặc biệt, du khách có dịp thưởng những món ngon độc đáo như: gà nấu với chôm chôm, gà ướp sầu riêng nướng, gỏi gà trộn với măng cụt... Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Trái cây Ninh Sơn”. Đây là tiền đề quan trọng nâng cao giá trị, uy tín của trái cây Ninh Sơn nói chung và xã Lâm Sơn nói riêng trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây ăn trái đã được chứng nhận để nâng cao thu nhập.

Du khách tham quan vườn trái cây Lâm Sơn. Ảnh: V.M

Có thể thấy việc phát triển DLNN gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương phù hợp và đúng đắn để góp phần xây dựng ngành DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh khai thác hoạt động DL gắn với nông nghiệp, nông thôn, điển hình là làng Nho Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), làng nho xã Phước Thuận (Ninh Phước), vườn cây ăn quả xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), phát triển trồng cây măng tây xanh, nha đam ở huyện Ninh Hải, và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm… qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động DL gắn với nông nghiệp, nông thôn thời gian qua chỉ mới bước đầu hình thành, vẫn chưa thật sự có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp. Hoạt động chỉ mới dừng lại ở khâu bán hàng, giới thiệu qui trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm, tham quan vườn... Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ phụ trợ, chất lượng nguồn lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Để khắc phục hạn chế này, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND quy định một số nội dung hỗ trợ phát triển DL cộng đồng, chủ yếu bao gồm các nội dung hỗ trợ cơ sở hạ tầng-vật chất kỹ thuật, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến. Ngoài ra ngành Nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 59/2019/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện sẽ làm cho việc giới thiệu sản phẩm đặc thù của vùng miền và địa phương thêm phong phú trong việc khai thác sản phẩm DL.

“Để đẩy mạnh phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về cách làm DLNN. Khi người dân thấy rõ lợi ích giữa việc kết hợp các sản phẩm nông nghiệp với hoạt động DL mang lại từ đó họ sẽ chủ động, tích cực tham gia. Thời gian tới, ngành cũng tăng cường mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân về cách làm DL; đẩy mạnh việc liên kết giữa các công ty DL và nhà vườn; khuyến khích, hỗ trợ mô hình DLNN khởi nghiệp”. Ông Hồ Sỹ Sơn cho biết thêm.