Chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão

Mùa mưa bão đang đến gần, nguy cơ xảy ra thiên tai đối với các vùng xung yếu, ven sông, suối và trũng thấp gây thiệt hại có thể xảy ra. Để ứng phó phòng tránh, giảm thiếu nguy cơ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó.

Trong năm 2018 và đầu năm 2019, do ảnh hưởng tác động thời tiết bất lợi trên biển, gây sạt lở tại một số vị trí, UBND tỉnh đã kịp thời bố trí nguồn kinh phí dự phòng cho gia cố, sửa chữa đoạn đê phường Đông Hải, đê biển và kè bảo vệ thôn Phú Thọ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; xây dựng tuyến kè bằng rọ đá với chiều dài 350m, tại khu vực bờ biển từ Khánh Nhơn đến xã Nhơn Hải (Ninh Hải).

Thực hiện “Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung-tỉnh Ninh Thuận” nhằm tăng cường khả năng chống bão và lũ cho những khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn và ổn định đời sống của người dân, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, tỉnh đang gấp rút triển khai thực hiện các công trình kè chống sạt lở tại những khu vực xung yếu, như bờ sông Dinh, khu vực xã Phước Sơn (Ninh Phước), khu vực dân cư Bà Râu (Thuận Bắc), khu dân cư hai bên bờ Sông Lu (Ninh Phước) và khu vực thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Bên cạnh đó, các dự án sửa chữa và nâng cấp đảm bảo an toàn đập tại 5 hồ chứa Sông Sắt, Ông Kinh, CK7, Tà Ranh và Sông Biêu cũng đang được đầu tư thực hiện với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. Dự án kè chống sạt lở biển bờ biển bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (Ninh Hải) có với tổng mức đầu tư như 40 tỷ đồng cũng dự kiến thi công xây dựng vào quý IV năm 2019. Đây là công trình có tác dụng ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời tạo hành lang giao thông ven biển phục vụ công tác quản lý, cứu hộ khi có gió bão và dân sinh vùng ven biển.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đập hạ lưu Sông Dinh góp phần tích nước ngọt, thoát lũ. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với các giải pháp về xây dựng công trình tỉnh cũng đã chủ động chuẩn bị phương án PCTT&TKCN, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện và phương án tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai. Ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hiệp đồng ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các lực lượng, đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh đều tham gia, phối hợp với địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN. Trong đó, phân công các đơn vị phụ trách từng địa bàn, cụ thể như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm địa bàn huyện Ninh Phước và Thuận Nam; Công an tỉnh địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Lữ Đoàn Đặc Công 5 địa bàn huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhiệm các xã ven biển An Hải, Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná.

Theo ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các đơn vị, địa phương và lực lượng liên quan đã được trang bị vật tư, gồm: áo phao, bao cát, rọ thép, canô, xuồng máy, nhà bạt các loại để chủ động thực hiện công tác PCTT&TKCN. UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2019, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khắc phục và đảm nhiệm từng công trình, từng địa bàn; có kế hoạch sơ tán dân khi bão, lũ xảy ra, có phương án bảo vệ đê kè, hồ đập và các công trình xung yếu.

Các địa phương cũng đã xây dựng củng cố lực lượng xung kích PCTT&TKCN ở cơ sở. Đến nay đã có 65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập, củng cố đội xung kích với tổng số 2.282 người tham gia. Khi có bão lũ, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt và các thiên tai xảy ra trên địa bàn, lực lượng này sẽ tham gia ứng trực xử lý các tình huống, sẵn sàng hỗ trợ giúp dân phòng chống thiên tai và tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn. Thực hiện tiêu chí về phòng chống thiên tai “tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 46 xã đạt chỉ tiêu có cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai; đã xây dựng 7 nhà cộng đồng kết hợp làm trường học và 9 nhà tránh trú bão đa mục tiêu tại các địa phương thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trong năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan sớm hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình xung yếu cũng như thực hiện công tác diễn tập PCTT&TKCN hàng năm. Ngoài ra, hỗ trợ thêm các phương tiện cứu hộ mới như xuồng, ca nô và xe cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, phát huy hiệu quả công tác PCTT&TKCN của tỉnh trong thời gian tới.