Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Công tác giáo dục nghề nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp...

Ngày 4/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội họp báo thông tin về Hội thảo Giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Hội thảo dự kiến tổ chức vào 20/9 tới tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên qua, các đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp…

Họp báo thông tin về Hội thảo Giáo dục 2019. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập tích cực, toàn diện với thế giới.

Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục nghề nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội thảo Giáo dục 2019 mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự, tập trung thảo luận vào ba nội dung: 1) Thể chế giáo dục nghề nghiệp; 2) Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; 3) Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Theo ông Phạm Tất Thắng, kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trong việc thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định những chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp tương xứng với vị trí, vai trò của trình độ đào tạo này.

Đến nay, Ban tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 đã nhận được gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Các tham luận bám sát và đề cập đến nhiều góc độ khác nhau, xoay quanh 3 nội dung trọng tâm của hội thảo: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo www.chinhphu.vn